Kỳ vọng từ một tuyến phố kiểu mẫu
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:28, 11/04/2016
Cụ thể, đường Lê Trọng Tấn được chỉnh trang đồng bộ công trình mặt phố; làm đường dành cho người tàn tật, người đi xe đạp; vỉa hè lát đá tự nhiên; lắp đặt thùng rác hai màu trên vỉa hè; hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED; cáp điện và cáp thông tin được đi ngầm…
Tuyến phố mẫu Lê Trọng Tấn đang dần hình thành. |
Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra
Hiện các hạng mục quan trọng như mặt đường, bó lát vỉa hè, trồng cây xanh, ngầm dây cáp... đang được các đơn vị thi công gấp rút hoàn thành. Trên dọc tuyến phố bên phải tính từ đường Tôn Thất Tùng đến Sông Lừ, tất cả các hộ dân đã tháo dỡ biển hiệu quảng cáo cũ và mái che mái vẩy, một số hộ bắt đầu sửa sang nhà cửa, quét sơn theo màu quy định của chính quyền địa phương.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy ở số nhà 182 Lê Trọng Tấn, cho biết: "Ai cũng phấn khởi, nóng lòng chờ đến ngày con đường khánh thành!". Chị Thúy buôn bán vật liệu, dụng cụ ngành nước ở tuyến phố này đã hơn 20 năm, luôn ám ảnh bởi tình trạng ùn tắc giao thông liên tục xảy ra vào giờ cao điểm: "Một bên là người tham gia giao thông phía Định Công, một bên là đường Trường Chinh, Tôn Thất Tùng đổ vào nên con đường lúc nào cũng chật như "nêm". Bây giờ làm đường rộng, hè thoáng như thế này tôi tin sẽ không còn cảnh chen chúc như trước" - chị Thúy nói. Cùng với hè, đường được cải tạo, mở rộng, mặt tiền phố Lê Trọng Tấn cũng được chỉnh trang theo hướng đồng nhất, phù hợp với cảnh quan chung. Điều đặc biệt là trước khi triển khai, chính quyền địa phương đã tổ chức họp và lấy ý kiến nhân dân, đồng thời gửi thông báo đến từng hộ dân để tuyên truyền về việc xây dựng, chỉnh trang tuyến phố kiểu mẫu.
Nhà ở trong Ngõ 308, cách khá xa mặt phố Lê Trọng Tấn nhưng hằng ngày ông Nguyễn Văn Thể vẫn đi bộ ra xem con đường được gọi là "kiểu mẫu" thi công đến đâu. Ông Thể cho biết, người dân đang mong chờ con đường khánh thành sẽ tạo ra một diện mạo đô thị văn minh, hiện đại: "Ở khu vực quanh đây tôi chưa thấy con đường nào được làm vỉa hè theo quy chuẩn như vậy. Họ đổ bê tông nền rất dày rồi lát đá granit vừa chắc chắn, vừa bảo đảm mỹ quan tuyến phố".
Một niềm vui với ông Thể và nhiều người dân phường Khương Mai là sắp tới, khi con đường hoàn thành họ có thể thong dong đi bộ, tập thể dục trên vỉa hè rộng 7,5m (bên phía trụ sở Quân chủng Phòng không - Không quân). Anh Trần Duy Hải, nhà ở Ngõ 192 Lê Trọng Tấn, chia vui: "Con đường đang thành hình nhưng nhìn hàng cây xanh, vỉa hè được lát đá, biển quảng cáo, màu sơn nhà được thay mới đồng nhất ai cũng thích". Cùng chung cảm nhận với anh Hải và nhiều người dân trong khu phố, ông Nguyễn Thanh Hà nhà số 6/134 phố Lê Trọng Tấn ủng hộ chủ trương của TP Hà Nội xây dựng những con đường được quy hoạch bài bản, đồng bộ như phố Lê Trọng Tấn: "Khi xây dựng những con đường mới cần đáp ứng được các tiêu chí như phố Lê Trọng Tấn, để Thủ đô ngày càng có thêm nhiều tuyến phố xanh, sạch, đẹp và văn minh".
Vì Thủ đô khang trang, sạch đẹp
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Khương Mai Đặng Minh Tuấn, dự án chỉnh trang tuyến phố Lê Trọng Tấn nhận được sự đồng thuận rất cao của 151 hộ dân sinh sống ở đây. Trước khi triển khai xây dựng lại, trên tuyến phố có rất nhiều loại biển hiệu quảng cáo màu sắc, kích cỡ khác nhau. Trước thực trạng này, UBND quận Thanh Xuân phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng hồ sơ thiết kế chỉnh trang mặt tiền theo hướng: Màu sơn tầng 1 lựa chọn các màu tương tự như ghi, nâu, đá màu ghi, đá màu nâu vàng; các tầng còn lại lựa chọn màu trắng, ghi sáng, vàng kem nhạt. "Những mẫu màu này chúng tôi gửi đến từng hộ dân để họ tham khảo và quyết định cho ngôi nhà của mình" - ông Tuấn cho biết. Về biển hiệu quảng cáo, chiều cao biển là 1,1m; chiều rộng tối đa bằng chiều rộng công trình; vị trí mép dưới biển hiệu là 3m đến 3,2m và khuyến khích cải tạo lại tường rào theo thiết kế mẫu. Kết quả thực hiện đến thời điểm này đã có 67 hộ dân thực hiện sơn tầng 1, chỉnh trang mặt tiền; 29 hộ đang làm và 55 hộ đang chờ thời tiết thuận lợi để thi công. Đặc biệt ở đây toàn bộ các nhà dân đều xây dựng ban công, lô gia không vượt quá chỉ giới đường đỏ. "Trong quá trình triển khai có một số kiến nghị của người dân về việc trồng cây xanh, cột chiếu sáng, lắp đặt tủ điện trên vỉa hè chưa hợp lý… chúng tôi đã báo cáo đến UBND quận và chủ đầu tư để giải quyết" - ông Tuấn cho biết thêm.
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái cho biết, trong quá trình triển khai, UBND quận đã chỉ đạo các ngành chức năng lấy ý kiến nhân dân để đạt sự đồng thuận cao nhất trước khi triển khai đại trà. Ngoài màu sơn chỉnh trang nhà mặt phố, UBND quận chỉ đạo lắp đặt một số biển hiệu mẫu (từ số nhà 88 đến 94) để các hộ dân góp ý. "Qua tiếp nhận chúng tôi thấy cơ bản các biển hiệu đáp ứng được nhu cầu của người dân" - ông Thái nói. Ngoài ra, UBND quận đã giao Phòng Quản lý đô thị, Phòng Văn hóa - Thông tin kiểm tra các nội dung biển hiệu; đồng thời làm việc với nhà thầu thi công để thực hiện xong các nội dung trước ngày 30-4-2016. Về việc xây dựng các điểm dịch vụ trông xe và một số loại hình dịch vụ khác, UBND quận đã giao phường Khương Mai rà soát, trên cơ sở khuyến khích các hộ dân mở điểm dịch vụ và sẽ được miễn giảm thuế. Quận sẽ giao cho người dân tự quản lý tuyến đường, đồng thời tiến hành lắp hệ thống camera an ninh, nối trực tiếp đến Công an phường Khương Mai, nhằm giám sát, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu, từ thành công của tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân sẽ tiến hành triển khai những việc tương tự trên tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn từ cầu Ngã Tư Sở đến hết địa giới hành chính quận), để đưa đoạn đường này thành tuyến đường kiểu mẫu.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về khả năng mở rộng việc triển khai các "tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn" trên địa bàn Thủ đô thời gian tới, ông Trần Hoàng Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội) cho rằng: Công tác xây dựng tuyến phố kiểu mẫu như tuyến đường Lê Trọng Tấn cần bảo đảm các phần việc như đường đạt chuẩn; hạ ngầm hạ tầng kỹ thuật, thống nhất chủng loại cây xanh… Đối với công trình hai bên tuyến đường cần cải tạo chỉnh trang nhà ở như sơn màu hài hòa, thống nhất, làm lại biển hiệu quảng cáo đúng quy chuẩn…
TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố nhận định: Cải tạo, chỉnh trang đô thị là việc cần thiết song để đạt được hiệu quả bền vững cần xem xét các yếu tố kiến trúc, không gian kiến trúc; quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho thích hợp; quản lý được yếu tố cảnh quan, môi trường, tiện ích đô thị.
Để có một Thủ đô văn minh, hiện đại, ngoài tuyến phố mẫu Lê Trọng Tấn, được biết thành phố đang giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiến hành khảo sát toàn bộ các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Trên cơ sở đó, sớm xây dựng phương án bảo tồn các di tích, công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, đồng thời chỉnh trang đồng bộ với hệ thống hạ tầng cây xanh, thảm cỏ, chiếu sáng… Từ hai công trình nói trên, một ở trung tâm thành phố, một ở tuyến đường mới, thành phố sẽ rút kinh nghiệm để nhân rộng ra các tuyến phố khác trên toàn địa bàn. Kết quả này cho phép hy vọng ở những thành công tiếp theo, vì một Thủ đô khang trang, hiện đại.
Ông Nguyễn Quang Hà, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông đô thị (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) - chủ đầu tư dự án xây dựng mở rộng đường Lê Trọng Tấn (đoạn từ phố Tôn Thất Tùng đến Sông Lừ): Đoạn đường chỉnh trang có chiều dài 1.511m, mặt cắt ngang tuyến đường 27-30m, bao gồm một cầu bắc qua Sông Lừ với tổng mức đầu tư hơn 224 tỷ đồng. Trên công trường hiện có khoảng 400 công nhân đang làm việc 2-3 ca/ngày; tiến độ đến nay đạt 70% khối lượng công việc. Dự kiến đến ngày 30-4-2016 công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. |