Xuất khẩu gạo gặp khó

Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 11/04/2016

(HNM) - Ngoài những khó khăn về thị trường thu hẹp, sản xuất, xuất khẩu gạo đang phải đối mặt với tác động tiêu cực do hạn hán, xâm nhập mặn.

Xuất khẩu gạo đang bị tác động tiêu cực do hạn hán, xâm nhập mặn.


Thiếu hụt gạo hàng hóa?

Thời điểm này, tại vựa lúa ĐBSCL, thương lái đua nhau tích trữ gạo để chờ giá tăng. Nông dân cũng giữ lúa, không bán dù giá cao. Đây là vụ đông xuân đầu tiên trong nhiều năm Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) không kiến nghị Chính phủ mua tạm trữ lúa gạo để ổn định tỷ lệ 30% lãi cho nông dân. Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, nhiều năm nay, trước khi vào chính vụ đông xuân, thu hoạch rộ trong tháng 3, giá lúa gạo thường xuống thấp. Vào những thời điểm đó, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và VFA kiến nghị Chính phủ cho phép thu mua tạm trữ lúa gạo với mức giá bảo đảm lợi ích cho nông dân. Tuy nhiên, vụ đông xuân năm nay, VFA sẽ không đề xuất việc thu mua tạm trữ lúa gạo do giá lúa đang có lợi cho nông dân và nhiều khả năng còn tiếp tục tăng. Ông Huỳnh Thế Năng cho biết, nguyên nhân khiến giá lúa gạo tăng ngay trong thời điểm chính vụ đông xuân là do năng suất, sản lượng lúa ở khu vực ĐBSCL giảm mạnh do ảnh hưởng nghiêm trọng của hạn hán, xâm nhập mặn.

Ngoài việc cần mua thêm để thực hiện hợp đồng còn lại từ năm ngoái chuyển qua, từ sau tết Nguyên đán đến nay, yếu tố cầu tăng từ xuất khẩu đường mậu biên cũng tác động lớn đến tình hình giá cả lúa gạo trong nước. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 3 tháng qua, cả nước đã xuất khẩu khoảng 1,59 triệu tấn gạo, đạt giá trị 692 triệu USD, tăng 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, lượng gạo xuất khẩu quý I-2016 tăng chủ yếu là do những hợp đồng đã được ký từ cuối năm 2015 và doanh nghiệp đang đẩy mạnh trả các đơn hàng chứ không phải đến từ đơn hàng của năm nay.

Xuất khẩu gặp khó khăn

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Ma Quang Trung cho biết, về cân đối lúa gạo năm 2016, diện tích sản xuất lúa vùng ĐBSCL dự kiến đạt 4,305 triệu héc ta, sản lượng đạt 25,745 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa hàng hóa đạt 15,785 triệu tấn, sản lượng gạo hàng hóa là 7,892 triệu tấn. Những tháng đầu năm 2016 đã xảy ra tình hình xâm nhập mặn, hạn hán làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Theo đánh giá sơ bộ, sản lượng lúa sẽ giảm 700.000 tấn (tương đương khoảng 350.000 tấn gạo). Đây là đợt hạn hán, xâm nhập mặn lớn nhất trong 100 năm trở lại đây tại ĐBSCL. Trước những tác động đó, giá thu mua lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL tăng cao. Khảo sát mới đây của Bộ NN&PTNT cho thấy, tính đến thời điểm cuối tháng 3 và đầu tháng 4, giá gạo đã tăng khoảng 500-1.000 đồng/kg tùy loại so với đầu năm.

Theo ông Huỳnh Thế Năng, giá lúa gạo tăng giúp nông dân có lợi, còn doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu từ trước nhưng chưa kịp giao hàng. Đặc biệt, theo dự báo, trong tháng 4 và tháng 5 mới là đỉnh hạn hán nên diện tích bị thiệt hại của cả nước có thể còn tăng, nguồn cung có thể bị thiếu hụt và giá lúa gạo trên thị trường sẽ có những diễn biến khó lường. Các doanh nghiệp cần chủ động trong các hoạt động giao thương, xuất khẩu.

Ông Phạm Thanh Bằng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho biết: Trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, vụ đông xuân kết thúc sớm, vụ hè thu xuống giống muộn, sản lượng thiếu hụt gần 1 triệu tấn nên giá lúa gạo trong nước trong 3 tháng tới được dự báo có xu hướng tiếp tục tăng. Nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày công ty mua được 700-1.000 tấn, nhưng giờ chỉ mua được khoảng 600 tấn. Giá lúa gạo trong nước tăng nhưng chưa hẳn giá xuất khẩu gạo đã tăng theo. Đây là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp. Ông Phạm Thanh Bằng nhận định, những tháng tiếp theo, xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn bởi các đơn hàng mới sẽ được triển khai. Các bộ, ngành cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay.

Đỗ Minh