Năm trật tự và văn minh đô thị 2016: Cấp ủy phải riết ráo vào cuộc
Đời sống - Ngày đăng : 06:40, 11/04/2016
Một trong những bài học kinh nghiệm lãnh đạo được Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội rút ra là, trước việc khó phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân. Trách nhiệm hàng đầu trong việc này là của cấp ủy các cấp. Trong khi đó, trật tự, văn minh đô thị là lĩnh vực khó và không phải ngẫu nhiên mà ba năm liền, thành phố chọn chủ đề này. Đó là chưa kể, theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, kết quả hai năm vừa qua khá tích cực, nhưng việc thực hiện chưa thành thói quen, mới "ngấm" được đến chính quyền; một số địa phương chưa tạo được sự đồng thuận và vào cuộc của nhân dân.
Điểm đỗ xe cao tầng thông minh đang phát huy tác dụng tại Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt |
Hơn hai năm qua, cấp ủy nhiều nơi đã khẳng định vai trò lãnh đạo trong thực hiện trật tự, văn minh đô thị, nông thôn. Ở ngoại thành, diện mạo đô thị, nông thôn huyện Đan Phượng đã thay đổi rõ rệt. Hàng chục cây số đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa sạch sẽ, giúp đi lại thuận tiện. Ý thức tự giác giữ vệ sinh môi trường của người dân cũng tốt hơn. Đó là thành quả của phong trào xây dựng nông thôn mới dưới sự lãnh đạo thống nhất của Huyện ủy, với phương châm "lấy sức dân để lo cho dân", "dân làm có sự hỗ trợ của Nhà nước". Tại huyện Chương Mỹ, hàng loạt việc khó trong xây dựng nông thôn mới tưởng không thể vượt qua, đã được thực hiện có kết quả cao. Một trong những yếu tố quyết định là do huyện đã phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên; các chi bộ làm tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở.
Tại quận Hoàn Kiếm, vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị" thể hiện rất rõ. Hầu như trong hội nghị nào của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Quận ủy, vấn đề này cũng được đề cập và là yêu cầu hàng đầu đối với bí thư, chủ tịch các phường phải quan tâm, làm tốt. Với đặc điểm địa bàn phức tạp, đòi hỏi rất cao về công tác quản lý, nhưng hơn hai năm qua, Hoàn Kiếm đã duy trì trật tự đô thị trên 12 tuyến phố chính, 5 khu vực trọng điểm và 20 tuyến phố văn minh đô thị, khu vực quảng trường trước cửa Nhà thờ Lớn; bố trí, sắp xếp các điểm giao thông tĩnh... Theo Bí thư Quận ủy Hoàng Công Khôi, với yêu cầu tiếp tục tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, Đại hội Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2015-2020 đã quyết nghị một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá là quản lý đô thị.
Tuy nhiên, không phải ở đâu, cấp ủy cũng phát huy hết vai trò, trách nhiệm lãnh đạo thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị". Đó là lý do để xảy ra một số sai phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng trên địa bàn thời gian qua, dẫn đến hàng loạt cán bộ ở quận Ba Đình và tới đây là huyện Ba Vì bị kỷ luật. Không chỉ vi phạm về trật tự xây dựng, theo Sở Văn hóa và Thể thao, hiện nay còn phổ biến tình trạng vi phạm quảng cáo tấm lớn. Trên địa bàn thành phố hiện có 92 bảng quảng cáo đứng độc lập vi phạm, không thuộc quy hoạch thành phố. Ở khu vực ngoại thành, hầu hết các huyện vẫn "bí" trong việc xây dựng các khu xử lý rác... Theo Ban cán sự đảng UBND thành phố, vấn đề mỹ quan đô thị mới dừng ở yêu cầu xanh - sạch, yếu tố đẹp mới được quan tâm trong các dịp lễ, Tết và chủ yếu ở việc chiếu sáng, trang trí cây hoa. Hầu hết các địa phương chưa tìm được giải pháp hiệu quả để sắp xếp các hộ kinh doanh trên hè phố. Lòng đường, vỉa hè một số nơi vẫn bị lấn chiếm; khâu quản lý, duy trì chưa tốt.
Trong khi đó, không ít biện pháp hay chưa được áp dụng rộng rãi và duy trì thường xuyên. Đơn cử như biện pháp "vi hành" của lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm để "bắt bài" trách nhiệm lãnh đạo cơ sở trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Quận ủy Đống Đa chỉ đạo cho quay video các vi phạm trật tự đô thị xảy ra tại các phường để trình chiếu và thảo luận tại các hội nghị giao ban thường kỳ. Một giải pháp rất hay là "thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong quản lý trật tự xây dựng", đã huy động người dân tham gia giám sát xây dựng rất hiệu quả, nhưng mới được áp dụng ở một vài nơi như Long Biên, Hà Đông, Thanh Trì. Thực tế cho thấy rằng, cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương vẫn chưa thực sự vào cuộc hết mình trong thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị".
Tại hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý I vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã chỉ rõ yêu cầu: "Cấp ủy, chính quyền các cấp phải làm cho ý thức trách nhiệm "thấm" vào từng cán bộ, từ cán bộ cấp xã, cấp quận, huyện đến cấp thành phố. Nó phải trở thành thương hiệu của Thủ đô. Chúng ta phải thấy xấu hổ nếu chúng ta để Thủ đô hay một xã, phường, quận, huyện của chúng ta bẩn, không văn minh". |