Muốn hết "loạn", phải siết chặt quản lý

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 11/04/2016

(HNM) - Thực tế cho thấy, thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) tại Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng trong vòng hơn chục năm qua. Đến nay, có hàng chục nghìn loại TPCN có mặt trên thị trường, bao gồm cả hàng được sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.

Tuy vậy, sự tăng trưởng của thị trường về số lượng, chủng loại không đi liền với sự tăng khả năng kiểm soát chất lượng, do công tác quản lý còn hạn chế. Ngoài nguyên nhân liên quan đến sự chậm trễ trong việc áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) đối với TPCN, công tác kiểm soát thị trường còn hạn chế, quản lý chồng chéo… thì còn nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến tình trạng loạn thông tin về TPCN, đó là cơ quan quản lý chưa tìm ra giải pháp hiệu quả để loại bỏ hiện tượng thông tin, quảng cáo sai sự thật về tính năng, công dụng của nhiều loại TPCN.

Đó là vấn đề cần khắc phục triệt để bởi khi công tác quản lý khâu quảng cáo TPCN không được thực hiện tốt, hậu quả là rất lớn. Như hiện nay, tình trạng nhập nhèm về thông tin, nhái mẫu mã, nhãn mác sản phẩm diễn ra khá phổ biến, tạo cơ hội cho đối tượng xấu tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới quyền lợi của người tiêu dùng mà còn gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Tương tự, việc quảng cáo theo hướng thổi phồng công dụng, biến TPCN thành một thứ "thần dược" để bán với giá cao sẽ khiến người tiêu dùng gánh chịu thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh... Bởi vậy, có thể thấy rằng, chấn chỉnh công tác quảng cáo TPCN, minh bạch thông tin về mặt hàng này là phần việc cần được ưu tiên thực hiện, hướng tới mục tiêu quan trọng: Giúp người tiêu dùng phân biệt chính xác hàng thật, hàng giả, hàng nhái; tạo sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các đơn vị sản xuất; hỗ trợ cho việc áp dụng tiêu chuẩn GMP trong sản xuất TPCN, giúp thị trường phát triển lành mạnh.

Để thực hiện mục tiêu nói trên, cuối năm 2014, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 43/2014/TT-BYT về quản lý TPCN, trong đó có quy định rõ về các nhóm sản phẩm, tên gọi sản phẩm để tránh gây nhầm lẫn TPCN với thuốc. Thông tư này cũng đưa ra quy định về những sản phẩm cần phải được thử nghiệm để chứng minh công dụng. Tiếp đó, Bộ ban hành thông tư liên quan tới việc kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, trong đó có quy định cấm kê TPCN vào đơn thuốc… Những văn bản đã được ban hành giúp tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng TPCN, ít nhiều có tác dụng trong việc quản lý khâu quảng cáo sản phẩm, hạn chế tình trạng thổi phồng công dụng TPCN để trục lợi. Tuy nhiên, về lâu dài, để xóa bỏ tình trạng nhập nhèm thật - giả, tránh cho doanh nghiệp làm ăn đứng đắn lâm vào cảnh "vàng, thau lẫn lộn", cơ quan chức năng cần có giải pháp siết chặt khâu thẩm định nội dung quảng cáo TPCN và yêu cầu các đơn vị kinh doanh, sản xuất TPCN chỉ được phép thực hiện quảng cáo đúng nội dung đã được thẩm định. Bên cạnh đó, cần có cơ chế phổ biến rộng rãi thông tin cơ bản về các loại TPCN đã được cấp phép, đáp ứng tiêu chuẩn về nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất… để người tiêu dùng biết, có cơ sở phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng nhái.

Ngành Y tế đã thể hiện quyết tâm đưa thị trường TPCN vào khuôn khổ, hy vọng người tiêu dùng thể hiện trách nhiệm tham gia vào quá trình này. Cách tốt nhất là tìm, sử dụng những loại sản phẩm đã được cấp phép, có đầy đủ nhãn mác thay vì chạy theo lời đồn thổi hoặc thông tin trên mạng chưa được kiểm chứng.

Dục Tú