Chia sẻ kinh nghiệm chặn bạo lực học đường

Giáo dục - Ngày đăng : 06:58, 10/04/2016

(HNM) - Ngày 29-2-2016 là một ngày đáng nhớ với ban giám hiệu và các bạn học sinh (HS) thuộc câu lạc bộ lãnh đạo trẻ của 10 trường THCS trên địa bàn thành phố khi họ có mặt tại Trường THCS Khương Thượng, quận Đống Đa để tham dự hội nghị chia sẻ kinh nghiệm trong việc chống phân biệt giới, phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ).

Đây là hoạt động thường niên của nhóm các trường thực hiện dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" - do Sở GD-ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam phối hợp triển khai từ tháng 6-2014 đến nay.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tại Trường THCS Khương Thượng.


Điểm nhấn của hội nghị chia sẻ kinh nghiệm tại Trường THCS Khương Thượng là phần thảo luận giữa ban giám hiệu, giáo viên của 10 trường về thực trạng BLHĐ hiện nay. Cô giáo Nguyễn Mai Chi, giảng viên nguồn dự án của Trường THCS Khương Thượng cho rằng, đã đến lúc báo động về tình trạng BLHĐ và việc HS bị xâm hại thân thể trong trường học. Không ít HS không dám lên tiếng khi bị bạo lực. Khảo sát của Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam đối với 3.000 HS THCS và THPT tại Hà Nội vào năm 2014 cho thấy, 11% số được hỏi từng bị quấy rối, xâm hại tình dục trong vòng 6 tháng. Thực tế cho thấy bạo lực có thể xảy ra trong khuôn viên trường học, trên đường đi học, trên đường về nhà và người gây ra bạo lực có thể là giáo viên, HS hoặc các thành viên trong cộng đồng. Cả HS nam và HS nữ đều có thể là nạn nhân hoặc là người gây ra bạo lực. "Chúng tôi thấy rất cần những bài giảng của dự án về vấn đề này, để mọi thành viên trong nhà trường có nhận thức đúng, hành động đúng", cô giáo Mai Chi nói.

Hiệu trưởng Ngô Mỹ Lệ cho biết, từ khi tham gia dự án đến nay, Trường THCS Khương Thượng đã triển khai nhiều hoạt động về chủ đề giới và ngăn chặn BLHĐ. Câu lạc bộ lãnh đạo trẻ đã được thành lập, gồm 20 thành viên, được coi là những đại sứ mang tiếng nói, nguyện vọng của các bạn nhỏ đến với thầy cô, người lớn. Tập san truyền thông với những hình ảnh, bài viết do chính các bạn HS sưu tầm, biên soạn đã được xuất bản thường kỳ, thông điệp được truyền đi là: "Hãy biết yêu thương, hãy giải quyết mâu thuẫn bằng lời nói chứ đừng bạo lực. Bạn và chúng tôi, hãy cùng hành động vì một tương lai không BLHĐ".

Cô giáo Hoàng Thị An, Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Loa, huyện Đông Anh cho biết: HS của trường rất háo hức khi tham dự các tiết học hoặc hoạt động ngoại khóa về chủ đề ngăn chặn BLHĐ. Các em cũng chủ động đề xuất nhiều giải pháp thiết thực. Có được kết quả ấy là do nhà trường đã chú trọng việc đa dạng hóa hình thức truyền tải nội dung, từ việc thi tìm hiểu, sân khấu hóa, lồng ghép vào các giờ sinh hoạt lớp, ngoại khóa...

Còn Phó Hiệu trưởng Trường THCS Vạn Thắng, huyện Ba Vì lại chia sẻ kinh nghiệm phòng chống BLHĐ thông qua việc tổ chức hoạt động tham vấn HS. Đây không phải là mô hình mới, nhưng chưa được nhiều trường học quan tâm. Thực tế triển khai cho thấy ban đầu cũng gặp khó khăn, do HS còn e dè, song, "mưa dầm thấm lâu", đến nay các con đã mạnh dạn, tự tin gặp thầy cô giáo để được hỗ trợ khi gặp những tình huống "có vấn đề" trong học tập và cuộc sống. Những xích mích trong học trò ít đi, số ca bạo lực trong nhà trường giảm.

"Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" là dự án do Sở GD-ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam triển khai từ tháng 6-2014 đến tháng 11-2016 với sự tài trợ của Quỹ ủy thác của Liên hợp quốc.

Thống Nhất