Thay đổi tư duy sản xuất ở vùng trồng chuối
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:39, 30/12/2022
Nhận diện khó khăn
Với 270ha trồng chuối, xã Hoàng Kim (huyện Mê Linh) được coi là thủ phủ trồng chuối của Hà Nội. Là một trong những hộ có diện tích trồng chuối lớn của địa phương, mỗi năm anh Sài Văn Triệu ở xã Hoàng Kim thu hoạch và xuất bán 280 tấn chuối, trừ các khoản chi phí, thu lãi 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo anh Sài Văn Triệu, bên cạnh những hiệu quả mà cây chuối đem lại thì hiện nay vùng sản xuất chuối ở Hà Nội còn nhỏ lẻ, phân tán, cơ sở hạ tầng vùng đất bãi còn nhiều khó khăn nên chưa có điều kiện đầu tư hệ thống đồng bộ trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, đóng gói chuối; các địa phương trong các vùng trồng chuối chưa có cơ sở đóng gói và sơ chế đáp ứng đủ nhu cầu để tham gia xuất khẩu chuối...
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Hoàng Thị Thúy Nga, huyện Gia Lâm có gần 400ha chuối tiêu hồng, trồng tập trung ở vùng bãi ven sông Đuống thuộc các xã: Phù Đổng, Đặng Xá, Phú Thị, Kim Sơn và Lệ Chi; năng suất, chất lượng các vùng chuyên canh chuối trên địa bàn tăng theo các năm. Tuy nhiên, đến nay công tác giống và quản lý cây giống còn nhiều bất cập; liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ còn lỏng lẻo; vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị còn mờ nhạt; việc xây dựng thương hiệu, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý chưa được quan tâm đúng mức...
Đồng hành hỗ trợ
Trước khó khăn, thách thức từ thực tế sản xuất, trong những năm qua, đặc biệt là năm 2022, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân sản xuất chuối. Cụ thể, trung tâm phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả tổ chức đào tạo chuyên sâu cho 30 cán bộ, nông dân về quản lý, trồng, chăm sóc, ứng dụng công nghệ cao, sơ chế, bảo quản, xúc tiến thương mại, nhận diện nhãn hiệu, thương hiệu, cách quản lý, xây dựng chuỗi. Ngoài ra, trung tâm còn tập huấn 10 lớp cho 300 lượt cán bộ, nông dân thuộc các xã Phú Phương (huyện Ba Vì), Vân Nam (huyện Phúc Thọ), Nam Sơn (huyện Sóc Sơn); Văn Khê, Hoàng Kim (huyện Mê Linh)… về trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm chuối.
Đi đôi với nâng cao chất lượng các vùng chuyên canh chuối, trung tâm còn hỗ trợ xây dựng vùng trồng mới chuối hàng hóa theo hướng xuất khẩu, thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP. Cụ thể, trung tâm đã triển khai hỗ trợ trồng mới 42ha chuối. Nông dân, hợp tác xã tham gia mô hình được hỗ trợ 50% kinh phí mua cây giống, 50% vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, túi bao buồng và mô hình được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Để bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, các hộ nông dân sản xuất chuối tham gia mô hình đã thực hiện đúng quy trình trong sản xuất, thực hiện ghi chép nhật ký đầy đủ theo quy định của VietGAP bảo đảm truy xuất nguồn gốc rõ ràng trên sản phẩm.
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật và hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm nước, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ 50% kinh phí mua vật tư, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước thực hiện tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh (18ha); Phú Phương, huyện Ba Vì (6ha); Vân Nam, huyện Phúc Thọ (1ha). Hệ thống tưới tự động phát huy được công năng tối đa, giảm hẳn chi phí về công lao động, tiết kiệm nước và tăng hiệu quả trồng chuối.
Ngoài ra, trung tâm đã thực hiện mô hình ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật sản xuất chuối với diện tích 10ha tại xã Phú Phương. Theo đó, ứng dụng đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch, thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bao buồng chuối, phòng trừ sâu bệnh một cách khoa học (chích thuốc vào bắp chuối khi mới trổ bắp), lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước tự động, hệ thống giám sát theo tiêu chuẩn EGAP. Việc ứng dụng đồng bộ tất cả các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất chuối đã giảm chi phí nhân công một cách rõ rệt, năng suất tăng từ 10 đến 15% so với sản xuất thông thường, đặc biệt là sản phẩm có đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Bước đầu, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với Công ty UNIFAM (Bình Dương) chuyển giao công nghệ bảo quản, ủ và tiêu thụ chuối trên địa bàn Hà Nội từng bước phát triển thuận lợi, sản phẩm chuối sau ủ đã đưa vào các siêu thị trên địa bàn mỗi ngày 3-4 tấn chuối.
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, đi đôi với tập huấn, nâng cao hiệu quả canh tác chuối trên địa bàn, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, quy chuẩn xuất khẩu thì Hà Nội đã và đang rất coi trọng việc chế biến sâu ngành hàng này. Qua đó các vùng chuyên canh chuối không chỉ bán thị trường nội địa cũng như xuất khẩu quả chuối tươi mà cần chế biến đa dạng các loại sản phẩm từ chuối như: Chuối sấy, chuối ép dẻo, mứt chuối, bánh chuối… giúp gia tăng giá trị. Hiện nay trên địa bàn thành phố, đã có các hợp tác xã, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mô hình chế biến chuối sau thu hoạch, tuy nhiên số lượng chưa nhiều. Do đó thời gian tới, ngành Nông nghiệp, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch chuối để gia tăng giá trị nông sản.
Tiếp nối thành quả của năm 2022, năm 2023, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ mở 10 lớp tập huấn kỹ thuật nâng cao kiến thức về trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh trên cây chuối, xúc tiến thương mại, sơ chế, bảo quản tiêu thụ chuối cho cán bộ hợp tác xã, nông dân tham gia trồng chuối (50 người/ lớp); hỗ trợ trồng mới 45ha, quy mô 5ha trở lên/điểm; hỗ trợ hệ thống tưới nước cho 25ha; ứng dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu trên quy mô 10ha với mục tiêu sản phẩm tăng hơn so với sản xuất truyền thống 10-15%; hỗ trợ thí điểm sử dụng hệ thống dòng dọc để vận chuyển chuối; hỗ trợ khu sơ chế, đóng gói và bảo quản chuối...