Thừa nỗi lo, thiếu giải pháp khắc phục
Giáo dục - Ngày đăng : 06:15, 10/04/2016
Tại hội thảo về bảo đảm an toàn cho trẻ MN do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 8-4, phản ánh từ các địa phương cho thấy rõ một điều rằng, có quá nhiều nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn đối với trẻ ở độ tuổi này. Mối lo về nguy cơ mất an toàn đối với trẻ ngày càng tăng, khi mà số lượng các nhóm, lớp MN tư thục ngày càng nhiều, nhưng lại đang rất thiếu những giải pháp căn cơ để khắc phục.
Chăm sóc, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Ảnh: Anh Tuấn |
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Thống kê của Vụ Giáo dục MN, Bộ GD-ĐT: Cả nước có trên 4,8 triệu trẻ em từ 3 tháng đến 6 tuổi được huy động đến trường, lớp MN. Do tình trạng tăng dân số cơ học ở các thành phố lớn, khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nên nhu cầu gửi trẻ ở đây tăng mạnh. Trong khi đó, hệ thống trường MN công lập không đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ, nhiều địa phương chỉ đáp ứng được khoảng 50%-60% số trẻ trong độ tuổi, số còn lại phải gửi tại các nhóm lớp tư thục. Nhiều địa phương được xem là những "điểm nóng" vì nhu cầu gửi trẻ luôn bị quá tải, cũng là nơi từng phát sinh các vấn đề liên quan đến sự mất an toàn cho trẻ, thừa nhận: Trong bối cảnh hệ thống trường công lập quá tải, các nhóm, lớp tư thục mọc lên "như nấm sau mưa", thì việc kiểm soát, giám sát sự xuất hiện của các cơ sở MN này là vô cùng khó khăn.
Báo cáo của Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, trong khoảng 1.500 nhóm MN, còn 120 nhóm không phép, chưa tính những nhóm, lớp gia đình mang tính tự phát nằm xen kẽ trong khu dân cư. Trong khi đó, bà Trần Thị Kim Oanh (Phòng GD-ĐT thị xã Dĩ An, Bình Dương) thẳng thắn cho biết, trên địa bàn có hơn 100 nhóm trẻ gia đình, có nhiều nhóm chưa xin phép nhưng vẫn hoạt động. Hầu hết các điều kiện bảo đảm an toàn cho trẻ đều rất có vấn đề, như: chưa có cửa ngăn cách phòng chơi với nhà bếp, nhà vệ sinh không đúng chuẩn, thiết bị điện ở tầm thấp, chất tẩy rửa còn để ở tầm tay trẻ, nuôi chó, mèo trong khuôn viên giữ trẻ, đồ dùng đồ chơi thiếu...
Tại Hà Nội, mặc dù các trường công lập đã "gánh" tới gần 80% số trẻ trong độ tuổi ra lớp, song do quy mô trẻ rất lớn, với 515 nghìn trẻ, nên số lượng trẻ học ngoài công lập không hề nhỏ, lên tới hơn 100 nghìn trẻ. Công tác quản lý đối với các nhóm, lớp tư thục vẫn chưa theo kịp yêu cầu, khiến cho trẻ MN đứng trước không ít rủi ro, kể cả với những cơ sở đã được cấp phép. Vụ việc trẻ tử vong ngày 23-3-2016 tại một trường MN tư thục thuộc phường Dương Nội (Hà Đông) còn cho thấy một thực tế khác, đó là kể cả những nơi đã được cấp phép, cũng khó có thể khẳng định không tiềm ẩn nguy cơ rủi ro.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội cho biết: Quy trình cấp phép cho các cơ sở MN trên địa bàn nghiêm túc, có hậu kiểm chặt chẽ. Tóm lại là về mặt giấy tờ thì bảo đảm, nhưng về chuyên môn, nghiệp vụ và chất lượng hoạt động thực tế thì không dám khẳng định. Lý do bởi cả 10 cơ sở trên địa bàn đều cải tạo từ nhà dân, học phí thấp, kinh phí chi trả cho giáo viên (GV) chưa tương xứng, nhiều nơi không muốn đóng bảo hiểm cho GV, khiến đội ngũ này chịu nhiều áp lực. Trong khi đó, quy định bằng cấp của chủ cơ sở chỉ là tốt nghiệp THPT, kinh nghiệm quản lý ít, kỹ năng sư phạm hạn chế...
Tháo gỡ cách nào?
Dường như đã trở thành điệp khúc, cứ mỗi khi có sự việc đau lòng liên quan đến an toàn của trẻ MN, thì vấn đề tăng cường quản lý đối với các cơ sở giáo dục MN tư thục lại được rốt ráo đề cập. Đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, cơ sở vật chất, năng lực quản lý... được xác định là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn cho trẻ. Đây đều là những điều không phải lần đầu tiên được nhìn nhận, nhưng dường như mối lo về sự mất an toàn đối với trẻ chưa có tiến triển.
Giải pháp siết chặt quản lý trong việc cấp phép để bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ được cho là có vai trò quyết định đến chất lượng hoạt động của các cơ sở MN tư thục. Bấy lâu nay, nhiều địa phương đều đã triển khai, nhưng thấy rõ là chưa có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ và có trách nhiệm của các lực lượng liên quan. Thế nên mới có chuyện, có nơi treo biển đón trẻ đến vài tháng tuổi mà chưa có giấy phép hoạt động, chính quyền cũng không hay. Quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh là một trong số ít đơn vị thực hiện được quy chế phối hợp giữa phòng GD-ĐT và chính quyền phường trong việc quản lý, hỗ trợ các cơ sở MN trên địa bàn; thành lập Ban sức khỏe, an toàn trường học với thành phần gồm cả lực lượng trong và ngoài nhà trường. Về chế tài, hầu hết các nơi khi phát hiện có sự việc, thì mức độ xử phạt cao nhất cũng chỉ là yêu cầu đóng cửa. Nhưng cứ đóng cửa nơi này, lại có cơ sở "mọc" ra ở nơi khác.
Nhìn lại những sự việc đã diễn ra, TS Nguyễn Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP MN trung ương tại TP Hồ Chí Minh nhận định: Đã đến lúc cần nhìn thẳng vào những bất cập, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm của GVMN để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Thời gian qua, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho GVMN tư thục ít được quan tâm; chủ cơ sở thường không muốn tạo cơ hội để GV được đi cập nhật kiến thức; hiếm nơi có được chính sách hỗ trợ kinh phí cho người học; thậm chí có học cũng chỉ là lý thuyết, ít có nội dung tập huấn kỹ năng và cách xử lý các tình huống cụ thể... Áp lực nghề nghiệp đối với GVMN là vấn đề đáng lưu tâm hiện nay.
Thực tế trên cho thấy, nếu không có sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm từ nhiều phía với những giải pháp thiết thực, mạnh mẽ ngay từ bây giờ đối với mạng lưới các nhóm, lớp tư thục, thì những sự việc đáng tiếc liên quan đến sự an toàn của trẻ MN sẽ khó chấm dứt...
TS Nguyễn Thị Kim Anh: Mối liên quan giữa căng thẳng nghề nghiệp với hành vi bạo lực của GVMN thông qua một khảo sát thực tế tại tỉnh Bình Thuận với gần 60% GVMN cho biết bị căng thẳng trong nghề nghiệp. Khảo sát của Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung, Khoa Giáo dục MN, ĐH Sư phạm Hà Nội cho thấy, 78% số GV được hỏi nói rằng chế độ lương, thưởng không hợp lý, đa phần chỉ ở mức trên dưới 3 triệu đồng/người/tháng khiến họ thiếu động lực, dễ nổi cáu. |