Hình mẫu phát triển năng động

Thế giới - Ngày đăng : 06:03, 10/04/2016

(HNM) - Từ làng chài nhỏ với diện tích 640km2 và 2 triệu dân sinh sống, ít ai ngờ được Singapore giờ đây đã trở thành một trong những trung tâm tài chính lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, vào những năm 90 của thế kỷ trước, cả thế giới đã sững sờ trước sự thay đổi chóng mặt của đất nước này. Ngày 8-4 vừa qua, theo kết quả khảo sát của Hãng Z/Yen Group, đảo quốc Sư tử đã lần đầu tiên vượt qua Hồng Kông để trở thành trung tâm tài chính lớn thứ ba thế giới, chỉ đứng sau New York (Mỹ) và London (Anh).

Singapore tiếp tục tiến những bước vững chắc trên con đường phát triển.


Cụ thể, Singapore cách đặc khu Hồng Kông 2 điểm trong bảng xếp hạng qua các tiêu chí về các lĩnh vực cạnh tranh chủ chốt, gồm: Môi trường kinh doanh, sự phát triển trong khu vực tài chính và cơ sở hạ tầng, dưới sự đánh giá của 2.520 chuyên gia tài chính. Có thể nói đây là một dấu mốc đặc biệt của quốc đảo nhỏ bé. Vậy yếu tố nào đã giúp Singapore trở thành trung tâm tài chính lớn thứ ba thế giới và lớn nhất tại Châu Á? Trước đây, Hồng Kông là vùng đất được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc lựa chọn cho vị trí trên, một phần vì nằm ở cửa ngõ dẫn vào Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thị trường vốn đang trưởng thành từng ngày. Tuy nhiên, nhiều cổ đông và đối tác của các định chế tài chính lại chọn Singapore làm nơi đặt trụ sở chính xuất phát từ những lợi thế cạnh tranh của quốc đảo ở Đông Nam Á. Đất nước này đã thu hút được nhiều tập đoàn giao dịch hàng hóa và khai thác triệt để vị thế là cảng nhiên liệu lớn nhất thế giới nằm giữa các con đường vận tải biển quan trọng. Cùng với đó, kinh doanh hợp đồng hàng hóa phái sinh là mảng tăng trưởng nhanh nhất trên sàn giao dịch chứng khoán Singapore SGX. Các sàn giao dịch toàn cầu đã tăng cường sự hiện diện ở Châu Á bằng cách thâu tóm các doanh nghiệp ở Singapore.

Không chỉ có vậy, thị trường ngoại tệ cũng là điều làm nên thành công của trung tâm tài chính này. Trong suốt quá trình phát triển, Chính phủ Singapore luôn biết tận dụng cơ hội tốt để thúc đẩy ngành tài chính. Ông Gerard Lee, Trưởng điều hành tại Lion Global Investors, nhớ lại năm 1971, khi người Mỹ bỏ neo đồng USD vào vàng, Singapore lập tức tranh thủ cơ hội này để phát triển thành trung tâm ngoại tệ của khu vực. Ngày nay, Singapore đang tự định vị để trở thành trung tâm giao dịch đồng nhân dân tệ lớn bên ngoài biên giới Trung Quốc khi Bắc Kinh bắt đầu muốn quốc tế hóa đồng nội tệ. Điều đó đã giúp Singapore vượt qua Tokyo, trở thành trung tâm ngoại tệ lớn nhất Châu Á và lớn thứ ba thế giới.

Ngành công nghiệp sản xuất cũng là một trong những yếu tố đóng góp vào vị thế của Singapore. Từ thời Thủ tướng Lý Quang Diệu đến Thủ tướng Lý Hiển Long ngày nay đều khẳng định ngành công nghiệp sản xuất đã tạo nên một "hệ sinh thái" lý tưởng để duy trì trung tâm kinh doanh và tài chính. Dù rằng, với sự mở cửa từ phía Trung Quốc, ngành công nghiệp sản xuất của Singapore đã giảm từ 28% từ chục năm trước xuống còn 19% năm 2015. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn quyết tâm giữ lại một phần nền tảng sản xuất, vốn cung cấp 420.000 việc làm, rất nhiều trong số đó yêu cầu trình độ kỹ thuật cao. Những nỗ lực này đã phản ánh khát vọng về sự độc lập và tự túc trong sản xuất của quốc gia này. Thế nên, mặc dù không có trữ lượng dầu khí, Singapore vẫn là nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới về xuất khẩu dầu mỏ tinh chế và hiện đang mở rộng sang hóa dầu.

Nỗ lực của Singapore nhằm giành được vị thế cao trong hệ thống tài chính toàn cầu cũng mang lại những lợi ích lớn lao cho sự phát triển lâu dài của đảo quốc Sư tử. Đầu tiên là những thế mạnh về mặt kinh tế. Hiện các dịch vụ tài chính đóng góp khoảng 12% GDP của Singapore. Con số này sẽ ngày càng tăng hơn nữa khi Cộng đồng ASEAN được thành lập và quốc gia này sẽ thu hút thêm lượng đầu tư từ các công ty khu vực khi muốn vươn ra thế giới. Bên cạnh đó, vị trí trung tâm tài chính cũng giúp hàng loạt doanh nghiệp trong nước phát triển. Ví dụ điển hình là các công ty như GLC, DBS (ngân hàng nội địa lớn nhất), NOL (tàu biển), SingTel (viễn thông), SMRT (giao thông công cộng), ST Engineering (dịch vụ kỹ thuật cao cấp), CapitalLand (bất động sản), Keppel (kỹ thuật đường biển - lĩnh vực mà Singapore đang chiếm 70% thị phần) và SeambCorp (kỹ thuật và hệ thống phụ trợ biển). Bên cạnh đó, Singapore cũng có hàng loạt công ty tư nhân lớn và sáng tạo như BreadTalk - một nhà sản xuất bánh hiện có mặt tại 15 quốc gia khác nhau trên thế giới. Charles & Keith - chuỗi cửa hàng giày dép hạng sang toàn cầu. Tuy nhiên, thương hiệu nổi tiếng nhất của Singapore là Singapore Airlines - hãng hàng không 5 sao hàng đầu thế giới.

Tổng hòa những điều trên giúp Singapore nâng cao được vị thế của quốc gia mình trên chính trường quốc tế. Điều này đúng với những mục tiêu, mơ ước mà cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đặt nền móng từ khi lập quốc. Với việc Cộng đồng ASEAN ra đời, đây sẽ vẫn là một hình mẫu phát triển cho các nước Đông Nam Á.

Quang Huy