Phát triển kinh tế bền vững: Những khuyến nghị hữu ích
Kinh tế - Ngày đăng : 08:12, 09/04/2016
Tỷ lệ lao động nữ của Việt Nam tham gia thị trường lao động đạt 73%, thuộc nhóm cao trên thế giới. Ảnh: Thái Hiền |
Theo ông Chris Malone, chuyên gia tư vấn phát triển kinh tế tại Việt Nam của BCG, Việt Nam đứng vị trí thứ 4/149 quốc gia được nghiên cứu. "Với chỉ số GDP đầu người (dựa trên cân bằng sức mua) chỉ đạt gần 5.200 USD nhưng Việt Nam lại thuộc nhóm các quốc gia có biểu đồ phát triển ổn định, có khả năng đạt chất lượng sống của người dân ngang bằng với những quốc gia có GDP theo đầu người trung bình là 10.000 USD" - ông Chris Malone nói.
SEDA là công cụ đánh giá hiệu quả chuyển đổi sự thịnh vượng về kinh tế, được đo bằng mức thu nhập, chuyển thành chất lượng cuộc sống của người dân, thông qua ba yếu tố nền tảng, thể hiện trên phương diện: sự ổn định kinh tế, y tế, giáo dục, quản trị nhà nước, vấn đề môi trường… "Nếu thu nhập bình quân đầu người 10.000 USD nhưng gặp phải những vấn đề môi trường ô nhiễm, giáo dục kém phát triển thì giá trị thu nhập không có nhiều ý nghĩa" - ông Chris Malone nhấn mạnh. |
Phân tích cụ thể, ông Chris Malone cho biết, điểm SEDA hiện tại của Việt Nam là 42,4 - ở mức trung bình, xếp thứ 79/149 quốc gia được đánh giá. Đây không phải là điều ngạc nhiên khi các quốc gia thịnh vượng như Mỹ, Nhật Bản, Na Uy, Đức, Singapore… đều đạt từ 80 điểm trở lên, nhờ có thời gian dài tích lũy thành quả phát triển và đầu tư nhiều cho lĩnh vực hạ tầng cơ sở, giáo dục. Tuy nhiên, khi xét về tiến bộ đạt được trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2013, Việt Nam nằm trong nhóm 20% dẫn đầu, với điểm tăng trưởng 74,8. "Đặc biệt, tiến bộ của Việt Nam càng ấn tượng khi đặt trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009" - ông Chris Malone nhấn mạnh.
So với các quốc gia trong khu vực, kết quả đạt được của Việt Nam vượt xa quốc gia có mức thu nhập tương đương như Philippines (GDP bình quân 6.300 USD/người); thậm chí vượt cả quốc gia thịnh vượng hơn như Trung Quốc, Thái Lan. Theo ông Chris Malone, điểm SEDA của Việt Nam cao hơn trung bình của các quốc gia ASEAN (42,4 điểm so với 40,2 điểm - trừ Singapore là quốc gia thuộc nhóm điểm cao). So với 4 quốc gia có GDP cao nhất ASEAN là Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines (nhóm ASEAN 4 theo cách gọi của BCG), điểm SEDA của Việt Nam thấp hơn (42,4 điểm của Việt Nam so với trung bình 45,2 điểm của ASEAN 4), nhưng điểm tăng trưởng của Việt Nam lại cao hơn (74,8 điểm của Việt Nam so với 69,6 điểm trung bình của ASEAN 4).
So sánh tổng thể với nhóm ASEAN 4, Việt Nam ngang bằng hoặc vượt trên một vài phương diện, như ổn định kinh tế, gắn kết xã hội, giáo dục, việc làm, y tế. Đặc biệt, tỷ lệ lao động nữ tham gia thị trường lao động đạt 73%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam tụt hậu về mặt thu nhập, quản trị nhà nước, môi trường. Đây là những chỉ số quan trọng khi các nước này không chỉ là đối tác của Việt Nam mà còn là đối thủ cạnh tranh chính trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh nhiều tập đoàn đa quốc gia có xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Vậy, Việt Nam phải làm gì để vượt qua các thách thức có thể cản trở Việt Nam đạt được những mục tiêu phát triển? Báo cáo của BCG nhấn mạnh, để duy trì những thành công đạt được, 3 lĩnh vực chính Việt Nam cần giải quyết là: Lao động - việc làm; cơ sở hạ tầng, lĩnh vực công và quản trị nhà nước. Báo cáo xác định những hành động cụ thể, như nâng cao năng lực cho thị trường lao động bằng cách xây dựng mối liên kết cung - cầu giữa các ngành công nghiệp và các tổ chức giáo dục đào tạo; tổ chức hướng nghiệp cho lao động trẻ hướng tới lĩnh vực có nhu cầu lao động cao.
Trong quản trị nhà nước, Báo cáo khuyến nghị, Việt Nam cần tăng cường tính minh bạch thông qua áp dụng công cụ kỹ thuật số; áp dụng chế độ đãi ngộ cán bộ nhà nước có trình độ cao. Đặc biệt, trong lĩnh vực hạ tầng, để duy trì đà phát triển cũng như khả năng cạnh tranh, đến năm 2020, Việt Nam cần đầu tư khoảng 113 - 143 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn ngân sách công chỉ đáp ứng khoảng 50 - 60% nhu cầu. Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ Hàn Quốc hay Ấn Độ triển khai mô hình hợp tác công tư, nhằm thu hút nhiều hơn nữa các nguồn đầu tư xã hội.