Bài cuối: Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa: Tạo môi trường nuôi dưỡng, bồi đắp những giá trị nhân văn

Đời sống - Ngày đăng : 07:56, 09/04/2016

(HNM) - Môi trường văn hóa là yếu tố không thể thiếu giúp con người phát triển toàn diện. Với mục đích tạo môi trường văn hóa lành mạnh để nuôi dưỡng, bồi đắp những giá trị nhân văn cho người Hà Nội, thành phố đã, đang đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa (TCVH) làm nơi sinh hoạt, giao lưu, củng cố mối quan hệ cộng đồng cho các tầng lớp nhân dân.

Nhà văn hóa Thôn Hội, xã Yên Trung (huyện Thạch Thất), nơi sinh hoạt, giao lưu của nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Bá Hoạt


Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa…

Khi triển khai phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã xây dựng nhà văn hóa (NVH) làm nơi hội họp, sinh hoạt cho nhân dân. Nhưng, Hà Nội không chỉ triển khai phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", mà còn thực hiện mục tiêu xuyên suốt là xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, cho nên hệ thống TCVH từ thành phố tới các làng, tổ dân phố được đầu tư bài bản, toàn diện. Trung tâm Văn hóa thành phố và Trung tâm Thông tin - Triển lãm với vai trò là thiết chế văn hóa cấp thành phố đã có từ hàng chục năm nay. Và sau khi được thổi "luồng sinh khí" mới, bằng việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị kỹ thuật và con người, các đơn vị này đã trỗi dậy.

Mỗi năm, Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức hàng chục cuộc giao lưu văn hóa, nghệ thuật quần chúng, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các tầng lớp nhân dân. "Những chương trình như: Liên hoan sân khấu không chuyên; liên hoan nghệ thuật truyền thống; sáng tác kịch ngắn, kịch vui; sáng tác ca khúc về Thăng Long - Hà Nội... thu hút đông đảo nghệ nhân, nghệ sĩ không chuyên tham gia, góp phần khôi phục, giữ gìn và nuôi dưỡng nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của Thăng Long - Hà Nội..." - NSƯT Thúy Ngần, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh nhận xét.

Thông qua các cuộc tuyên truyền lưu động, trang trí, cổ động trực quan hay trưng bày, triển lãm về thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô và đất nước, Trung tâm Thông tin - Triển lãm đã góp phần lan tỏa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân...

Với 29/30 quận, huyện, thị xã có NVH, Hà Nội là địa phương có độ "phủ kín" hệ thống TCVH cấp huyện vào loại cao nhất cả nước. Đội ngũ cán bộ NVH các quận, huyện, thị xã thường xuyên xuống địa bàn cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, luyện tập thể dục, thể thao, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào. NVH đã và đang được xây dựng ở hầu hết các địa phương trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng... Ông Hoàng Phương, Bí thư Đảng ủy xã Yên Trung (Thạch Thất) cho biết: Từ năm 2008 trở về trước, một số nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của đồng bào Mường ở Yên Trung hầu như không còn.

Hà Nội có hơn 90% số gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa hằng năm, qua bình xét có hơn 85% số hộ gia đình được công nhận. Tỷ lệ làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa cũng cao hơn mức trung bình của cả nước với 55% số làng, 70% tổ dân phố đạt danh hiệu.

Việc cưới, việc tang theo hướng văn minh, tiết kiệm dần đi vào nền nếp. Trên cơ sở những kết quả đạt được, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 có 62% số làng, 72% tổ dân phố, 88% số hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa.


Người dân bán hết nhạc cụ cồng chiêng và dường như bỏ quên "món đặc sản" tinh thần này. Sau khi hệ thống NVH được xây dựng và đưa vào sử dụng kèm theo "quà tặng" là những bộ cồng chiêng, "hồn Mường" đã trở lại Yên Trung. Tương tự như Yên Trung, đời sống văn hóa của người dân xã Đông Xuân (Quốc Oai) thay đổi hoàn toàn sau khi được TP Hà Nội đầu tư kinh phí xây dựng nhiều NVH.

Từ địa phương tồn tại nhiều hủ tục nặng nề trong việc cưới, việc tang, qua các đợt sinh hoạt, giao lưu văn hóa cộng đồng, đến nay phần lớn số đám cưới, đám tang ở Đông Xuân được tổ chức theo nếp sống văn hóa mới; tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa trong giai đoạn 2011-2015 tăng hơn 20% so với giai đoạn 2005-2010. Khảo sát của Sở VH&TT Hà Nội cho thấy: NVH ở nhiều tổ dân phố khu vực nội thành được khai thác, sử dụng tối đa hiệu suất, công năng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giao lưu văn hóa, tinh thần ngày càng cao của nhân dân Thủ đô.

… Và xây dựng quy chế quản lý, khai thác

Tuy nhiên, so với nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và các tiêu chí rất cao về văn hóa trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều NVH ở Hà Nội hiện nay chưa đạt chuẩn. Thống kê mới nhất cho thấy, trong tổng số hơn 2.000 NVH của 18 huyện, thị xã - nơi dễ bố trí đất để triển khai xây dựng mới có hơn 600 NVH được đánh giá đạt chuẩn theo tiêu chí mới. Nhiều địa phương có phong trào văn hóa phát triển như: Thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Mê Linh, Hoài Đức… đến nay vẫn chưa có NVH đạt chuẩn. Một số công trình NVH được xây dựng từ lâu đã xuống cấp lại thiếu đồng bộ về trang thiết bị, thiếu kinh phí hoạt động... Đáng nói hơn, đa số NVH được giao cho trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hay bí thư chi bộ quản lý. Số cán bộ này không có chuyên môn, nghiệp vụ, chưa được tập huấn, bồi dưỡng về công tác văn hóa, nên việc duy trì các hoạt động diễn ra tại NVH không được thường xuyên.

Để quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống TCVH, Sở VH&TT Hà Nội đang điều tra, khảo sát, đánh giá tổng thể TCVH trên địa bàn thành phố, làm cơ sở xây dựng "Quy chế quản lý và khai thác các TCVH cơ sở". Cùng với quy chế quản lý, ngành Văn hóa Thủ đô đề xuất một số giải pháp như: Xây dựng quy hoạch chi tiết cho hệ thống TCVH cơ sở; đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các NVH; thu hút các tình nguyện viên là thanh niên về nông thôn xây dựng phong trào; tạo điều kiện để NVH có thể kết hợp với tư nhân trong đầu tư, khai thác, vận hành… "TCVH không phải là một ngôi nhà hay một hội trường phục vụ cho việc hội họp, sinh hoạt. Hoạt động của TCVH rất đa dạng, phong phú, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh để nuôi dưỡng tâm hồn, thể chất con người, góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống" - ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội nhấn mạnh.

Thực tế chứng minh, nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc, như hát xoan, hát bội, đờn ca tài tử, chèo, quan họ... được giữ gìn, phát huy từ những điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của thôn xóm chứ không phải các nhà hát, sân khấu nguy nga. Nhiều cộng đồng "chặn đứng" tệ nạn xã hội nhờ người dân có lối sống lành mạnh, vui tươi. Bởi vậy, đầu tư cho TCVH, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đẩy mạnh phát triển thể dục - thể thao, khuyến khích sáng tạo văn học, nghệ thuật… chính là để tạo môi trường văn hóa trong sạch, bồi đắp tinh thần nhân văn để người Hà Nội phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô và đất nước trong thời kỳ mới.

Minh Ngọc