Bài 4: Chuyện đường dài, chuyện trước mắt!

Thể thao - Ngày đăng : 07:34, 08/04/2016

(HNM) -



Nhiều năm qua, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh giáo dục thể chất, rèn luyện thể dục, thể thao (TDTT), góp phần phát triển toàn diện con người cả về trí, thể, mỹ.

Dân cường thì quốc thịnh

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới là định hướng cũng là mục tiêu của Hà Nội trong giai đoạn 2015-2020. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu ấy, không thể không quan tâm, đề cao công tác giáo dục thể chất trong trường học, phát triển phong trào TDTT trong toàn dân. Bởi, như Bác Hồ kính yêu từng căn dặn: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Dân cường thì Quốc thịnh". (Trích bài "Sức khỏe và Thể dục" đăng trên Báo Cứu quốc kêu gọi toàn dân tập thể dục vào ngày 27-3-1946).

Để có được nền tảng phát triển thể chất mạnh mẽ đòi hỏi một hành trình liên tục, bền bỉ với nỗ lực không ngừng. Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" đã và đang được nhân rộng trong toàn xã hội, với mục tiêu: Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mỗi người chọn cho mình một môn thể thao hoặc một hình thức rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Đến nay, tỷ lệ người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đã đạt 28,3%, số gia đình thể thao đạt 20,1%; tỷ lệ học sinh, sinh viên thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa đạt 100%; số học sinh, sinh viên tham gia tập luyện TDTT ngoại khóa đạt 71%; 100% cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn chiến sĩ khỏe... Tuy nhiên, phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam không phải chuyện ngày một, ngày hai, đòi hỏi kết hợp nhiều giải pháp về cả rèn luyện TDTT và dinh dưỡng.

Đẩy mạnh phát triển toàn diện con người Thủ đô

Hà Nội đã và đang đẩy mạnh hoạt động giáo dục thể chất, rèn luyện TDTT, góp phần phát triển toàn diện con người Hà Nội cả về trí, thể, mỹ. Giáo dục thể chất và thể thao trong trường học được coi trọng, có tác dụng tạo nguồn và hình thành năng khiếu thể thao ở trẻ. Hoạt động TDTT trong các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp được duy trì. Nhiều giải thi đấu thể thao giữa các trường (bóng đá, bóng chuyền, cầu lông...) được thực hiện hằng năm. Hàng chục năm qua, Hà Nội thường xuyên dẫn đầu cả nước về phong trào thể thao quần chúng.

Nhu cầu của người dân về luyện tập TDTT và hưởng thụ những giá trị văn hóa thể thao ngày càng cao
và đa dạng. Trong khi đó, việc rèn luyện, giáo dục thể chất ở ngay cả địa phương dẫn đầu cả nước về thể thao như Hà Nội, đôi khi vẫn bị "lép vế". Các cơ sở giáo dục, đào tạo còn thiếu sân bãi tập, phòng tập, dụng cụ phục vụ nhu cầu tập luyện, thi đấu, vui chơi, giải trí của học sinh, sinh viên. Chương trình chính khóa cũng như nội dung hoạt động ngoại khóa còn nghèo nàn, chưa hợp lý, không hấp dẫn học sinh tham gia các hoạt động TDTT ngoại khóa...

Kết quả khảo sát hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Hà Nội cách đây vài năm cho thấy, do không đủ quỹ đất, nhiều trung tâm TDTT của xã, phường, nhất là các phường trong nội đô chưa có đủ các công trình thiết yếu, cơ bản phục vụ cho nhu cầu hoạt động TDTT của dân cư. Năm 2015, được sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tiến hành lắp đặt nhiều hệ thống thiết chế TDTT ở cơ sở, công viên, khu vui chơi công cộng, giúp người dân có điều kiện tập luyện TDTT thường xuyên.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn các môn thể thao Hà Nội Hoàng Vĩnh Giang cho biết: "Để phát triển thể chất con người Hà Nội, trước mắt, việc tiếp tục nhân rộng đầu tư và phát huy công năng sử dụng thiết chế thể thao ở cơ sở là rất cần thiết. Cùng với đó, không thể không chú trọng phát triển công tác giáo dục thể chất trong trường học theo hướng ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn. Cần có cơ chế, chính sách thu hút mạnh sự tham gia của cộng đồng vào công tác quản lý TDTT, đẩy mạnh xã hội hóa TDTT". Có thể nói đó là hướng đi đúng, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, đặc biệt là giữa ngành TDTT với y tế, giáo dục..., nhằm đẩy mạnh công tác rèn luyện thể chất, nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam, một chương trình lớn mang tầm vóc quốc gia.

"Khẳng định vai trò, trách nhiệm của ngành TDTT, chúng ta cần thúc đẩy sự quan tâm của cả hệ thống đối với công tác này. Ngành TDTT không thể tự mình phát triển mà không có sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp. Dễ thấy và trước hết là trong công tác quy hoạch, đầu tư nhằm bảo đảm những điều kiện cần thiết để có một hệ thống thiết chế, hệ thống cơ sở hạ tầng thể thao đáp ứng được yêu cầu tập luyện trong nhà trường, xã hội". (Lược trích phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành TDTT Việt Nam, tổ chức sáng 27-3-2016 tại Hà Nội).

Mai Hoa