Thực hư vùng rau an toàn Đông Anh mất an toàn?
Đời sống - Ngày đăng : 07:21, 08/04/2016
Chăm sóc rau an toàn tại xã Nam Hồng (huyện Đông Anh). Ảnh: Trung Kiên |
Trong vai một tư thương đi tìm nguồn RAT về tiêu thụ, chúng tôi gặp vợ chồng ông Lại Văn Hào ở Thôn 3, xã Vân Nội đang thu hoạch 3 sào cải chíp. Ông Hào cho biết: "Nếu mua RAT mà yêu cầu nông dân không dùng bất kỳ một loại phân bón hóa học và thuốc BVTV nào thì chịu, không cung ứng được". Chị Nguyễn Thị Hương thôn Viên Nội, xã Vân Nội thừa nhận vừa sử dụng thuốc BVTV phun cho 2 sào dưa chuột mới xuống giống được một tuần. Đối với các loại rau ăn lá ngắn ngày gia đình chị cũng sử dụng thuốc BVTV từ 2 đến 3 lần/lứa khi gặp phải sâu bệnh hại và đều tuân thủ thời gian cách ly, liều lượng phun như đúng hướng dẫn trên bao bì nhãn mác.
Huyện Đông Anh có 1.300ha trồng rau chính vụ từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau; diện tích rau hiện tại đang sản xuất là 745ha tập trung ở các xã trọng điểm như: Tiên Dương 250ha, Vân Nội 180ha, Nguyên Khê 120ha, Bắc Hồng 10ha… Trong đó, có 501ha đã được thành phố quy hoạch vào vùng sản xuất RAT tập trung. Đông Anh cũng là huyện đứng đầu thành phố về số cơ sở sản xuất và sơ chế RAT với 37 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và 16 cơ sở đủ điều kiện sơ chế RAT. |
Trong khi xã Vân Nội chủ yếu trồng rau cải và các loại rau ăn lá thì các xã Tiên Dương, Nguyên Khê chuyên trồng su hào, bắp cải, bầu, bí, cà… áp dụng triệt để mô hình khung sắt, vòm ni lông và lưới che phủ… nhằm hạn chế thiệt hại về khí hậu thời tiết, cũng như sâu bệnh hại... Tại xã Tiên Dương, mô hình trồng rau trái vụ chủ yếu là cây su hào cho thu nhập khá, bình quân 400 - 500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có hộ trồng rau trái vụ cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm đã giúp nông dân làm giàu được từ cây rau. Chủ tịch UBND xã Vân Nội Trần Văn Vỏ khẳng định: Nông dân Vân Nội coi trồng rau là một nghề và nhanh nhạy ứng dụng có hiệu quả tiến bộ mới trong thâm canh, trồng trọt.
Nói về kỹ thuật trồng rau của nông dân huyện Đông Anh nói chung, xã Vân Nội nói riêng, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho rằng: Từ kinh nghiệm trồng rau trái vụ ở Đông Anh, đến nay nhiều địa phương khác đã áp dụng thành công mô hình này. Nông dân ở đây được huấn luyện, đào tạo qua nhiều lớp IPM từ ngắn hạn đến dài hạn. Tuy nhiên, do đây là vùng rau chuyên canh lớn, nhiều hộ luân canh tới 8 lứa/năm, đất đai không có điều kiện để được nghỉ ngơi hoặc luân canh sang cây trồng khác nên nhiều vụ, nhất là mùa hè sâu bệnh hại xuất hiện nhiều hơn, nông dân cũng vì thế thường xuyên sử dụng thuốc BVTV phun cho cây trồng so với các vùng khác, nhưng đều tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Đông Anh Nguyễn Hồng Tuyển cho biết: Không thể cấm nông dân sử dụng thuốc BVTV phun cho cây trồng, mà chỉ có thể xử phạt và nhắc nhở nếu như nông dân sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục cho phép, quá liều lượng và không đủ thời gian cách ly. Qua điều tra, nắm bắt từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện chưa phát hiện cửa hàng cũng như hộ dân nào sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục cho phép. Hiện nông dân ở đây chủ yếu sử dụng các loại thuốc BVTV thảo mộc với thời gian cách ly từ 3 đến 7 ngày. Tuy nhiên, ông Tuyển cũng thừa nhận, hiện ngành nông nghiệp mới chỉ tập huấn ngắn hạn và dài hạn trong sản xuất RAT cho 80% số hộ, còn 20% còn lại vẫn chưa được tập huấn. Do vậy, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục mở thêm nhiều lớp huấn luyện nông dân trồng, chăm sóc, sử dụng thuốc BVTV đúng cách.
Như vậy, thông tin về các vùng RAT ở Đông Anh "tắm thuốc" BVTV là thất thiệt và đã ảnh hưởng lớn đến uy tín cũng thu nhập của người dân. Thực tế, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp Hà Nội và các cơ quan độc lập thường xuyên lấy mẫu rau tại các vùng rau trọng điểm trên địa bàn huyện, với đủ các chủng loại và có kết quả đạt chất lượng yêu cầu tới trên 90%. Các cấp chính quyền địa phương huyện Đông Anh không được phép chủ quan, lơ là, cần kiểm tra gắt gao hơn nữa, ngăn chặn xử lý nghiêm các cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV độc hại, thuốc ngoài danh mục; đồng thời thành lập các tổ cung ứng dịch vụ phun thuốc BVTV cho cả vùng để kiểm soát tốt hơn, tránh tình trạng để nông dân tự phun thuốc BVTV bừa bãi, ảnh hưởng đến uy tín vùng RAT Đông Anh.