Cần hành lang pháp lý để phát triển

Giáo dục - Ngày đăng : 07:18, 08/04/2016

(HNM) - Do các trường công lập không đáp ứng đủ nhu cầu nên nhiều quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh nở rộ mô hình lớp bán trú

Một lớp bán trú tại Trường tiểu học ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.


Giải pháp hữu ích

Theo thống kê của Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, trong năm học 2015-2016, toàn quận có gần 800 học sinh đang theo học tại các cơ sở bán trú vệ tinh, tập trung nhiều ở bậc tiểu học. Đơn cử, cơ sở bán trú vệ tinh của Trường Mầm non tư thục Hoa Thanh Bình (88/957A, Lê Đức Thọ, Phường 16, quận Gò Vấp) có 30 em, cơ sở của Trường Mầm non Bình Minh có 64 em và Trường Mầm non Thần Đồng 75 em... Tại đây, việc giữ trẻ chia làm hai ca, sáng và chiều. Theo đó, học sinh học buổi sáng ở trường công lập sẽ được đón về cơ sở bán trú "vệ tinh" ăn trưa, nghỉ ngơi và học ngoại khóa đến 17h. Ngược lại, học sinh học buổi chiều sẽ được cha mẹ chở đến cơ sở bán trú vệ tinh từ buổi sáng, ăn, ngủ và sinh hoạt ở đó đến đầu giờ học buổi chiều sẽ có nhân viên của cơ sở đưa các em qua trường công lập học buổi chính khóa.

Không chỉ Gò Vấp, tại quận Tân Phú có 3 cơ sở bán trú vệ tinh đang hoạt động với tổng số gần 500 em học sinh theo học. Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng GD-ĐT quận Tân Phú, tại quận này tỷ lệ học bán trú và 2 buổi/ngày ở bậc mần non là 100%, ở bậc tiểu học là 23% và trung học cơ sở là 10,3%.

Cần phải có hành lang pháp lý để quản lý

Theo đánh giá của nhiều phụ huynh, mô hình bán trú "vệ tinh" thật sự đáp ứng nhu cầu cấp thiết của họ trong lúc trường công lập chưa giải quyết được tình trạng quá tải. Tại buổi khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 3-2016, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh cũng đánh giá cao vai trò xã hội hóa của mô hình bán trú vệ tinh trong việc giảm bớt gánh nặng bán trú cho trường công lập.

Hiệu quả là vậy nhưng theo ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, hiện chưa có bất kỳ văn bản pháp lý nào hướng dẫn việc quản lý các nhóm trẻ theo mô hình này. Từ đó dẫn tới thực trạng, bậc mầm non, bậc tiểu học và nhóm trẻ đang hoạt động có quy mô lớn từ 70 đến 80 bé vẫn không được cấp phép hoạt động. Các cơ sở này hoạt động là do thỏa thuận giữa phụ huynh và cơ sở địa phương chỉ có trách nhiệm kiểm tra, quản lý về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống cháy nổ…

Trước thực tế này, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho rằng, loại hình này nếu phát triển tốt sẽ hỗ trợ rất tốt cho các trường công trong điều kiện hiện nay. Cũng theo ông Vinh, hiện Sở GD-ĐT kiến nghị UBND thành phố xem xét để có cơ chế trong việc giải quyết bán trú cho học sinh bằng cách tổ chức các trung tâm chăm sóc trẻ em hoặc dịch vụ chăm sóc trẻ em do các cơ quan xã hội, đoàn thể địa phương tổ chức thực hiện tốt hơn.

Thanh Tàu