Mở hướng phát triển chè an toàn
Kinh tế - Ngày đăng : 06:35, 08/04/2016
Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội (Sở NN&PTNT) Hoàng Thị Hòa cho biết, thành phố hiện có hơn 3.000ha trồng chè, tập trung ở các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, Chương Mỹ. Nhằm khẳng định thương hiệu "chè Hà Nội" trên thị trường trong nước và quốc tế, ngành nông nghiệp Hà Nội triển khai đề án sản xuất và tiêu thụ chè an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012-2016. Thực hiện đề án, hằng năm trung tâm đã tiến hành khảo sát và triển khai hàng chục mô hình sản xuất chè an toàn, mô hình thâm canh mới, trồng cải tạo giống… đạt tiêu chuẩn VietGAP, cho năng suất bình quân 1,8 tấn/ha/năm; hiệu quả kinh tế đạt 248 triệu đồng/ha/năm...
Thu hoạch chè tại huyện Ba Vì. Ảnh: Nhật Nam |
Anh Nguyễn Văn Vững, chủ vườn chè ở xã Ba Trại (Ba Vì) chia sẻ: Trước đây, gia đình sản xuất theo thói quen canh tác cũ, năng suất, chất lượng thấp nên khó tiêu thụ. Sau khi được Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cung cấp giống, hướng dẫn quy trình sản xuất, kỹ thuật chăm sóc nên chè cho năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, hiện nay mô hình sản xuất chè của gia đình anh đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP nên giá trị kinh tế cao hơn. Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến khẳng định: Chè đang là cây trồng chủ lực của huyện và có đóng góp lớn vào xây dựng nông thôn mới. Theo kế hoạch, đến năm 2020, huyện Ba Vì xây dựng 3 vùng chè lớn gắn liền với các vùng du lịch sinh thái gồm vùng chè Ba Trại, Vân Hòa - Yên Bài và Minh Quang - Khánh Thượng, qua đó đưa sản lượng chè lên 3 vạn tấn chè búp tươi và xuất khẩu 4.000 tấn chè các loại mỗi năm... Cây chè giúp xóa đói giảm nghèo, mang lại nguồn thu nhập chính và ổn định cho hơn 10.000 lao động huyện Ba Vì.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình sản xuất, thâm canh, trồng mới và trồng cải tạo nhiều vườn chè, song cơ bản năng suất chè vẫn thấp, nguyên nhân là điều kiện sản xuất, chế biến, sơ chế, bảo quản hạn chế. Khắc phục tình trạng này, một mặt các cơ sở chế biến chè quy mô hộ, trang trại phải chủ động ứng dụng quy trình kỹ thuật sơ chế, chế biến chè thành phẩm bảo đảm an toàn, mặt khác khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, bảo quản, chế biến... Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt cho biết, cụ thể hóa chủ trương sản xuất chè ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, Sở NN&PTNT đã khảo sát, tập trung xây dựng 1-2 mô hình sản xuất chè điểm, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Trao đổi về chủ trương trên, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút cho rằng, để đưa nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất chè, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sản xuất, đồng thời hỗ trợ đầu tư máy móc sau khi thu hoạch chè. Còn ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội khẳng định: Ngành nông nghiệp Hà Nội rất chú trọng đến khâu xúc tiến thương mại và xây dựng, quảng bá các thương hiệu nông sản, trong đó có sản phẩm chè. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ cùng các đơn vị của ngành bám sát các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từ đó đề xuất lộ trình xây dựng thương hiệu và quảng bá, đồng thời đẩy mạnh kết nối cung cầu, từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới tiêu thụ nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu về sản phẩm chè an toàn của người tiêu dùng.