Trách nhiệm thuộc về ai?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 08/04/2016
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, có suất đầu tư xây dựng thuộc loại cao nhất ở Việt Nam với chất lượng thuộc loại tốt nhất hiện nay. Chắc hẳn, khi tham gia đầu tư, chủ đầu tư đã có tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm không… thua lỗ. Và trên thực tế, chi phí cho việc tham gia giao thông trên tuyến này cũng "đáng đồng tiền, bát gạo". Vậy mà, chỉ sau thời gian ngắn, chủ đầu tư đã tăng phí và được chấp thuận tăng phí, nên dư luận bức xúc cũng là lẽ thường. Đi cao tốc đã bức xúc, người không có tiền đi cao tốc, phải đi quốc lộ 5 cũ cũng bị "đè ngửa" vì tăng phí để bù chi cho đầu tư xây dựng đường cao tốc. Các nhà kinh tế học có cách lý giải của mình, nhưng với đa phần dân chúng, việc không sử dụng đường cao tốc mà phải trả tiền cho đường cao tốc, quả là khó chấp nhận. Vấn đề là phải bảo đảm tính thuyết phục! Đó là chưa kể, trước đây, quốc lộ 6 (đoạn Xuân Mai - Hòa Bình), người dân không có giải pháp nào khác ngoài trả phí đường cao tốc, do không có đường bình thường để lựa chọn. Chưa kể, ở một số địa phương còn tình trạng, không sử dụng đường là bao, nhưng do qua trạm thu phí, nên vẫn phải "móc hầu bao" bình thường. Rõ ràng, với suy nghĩ đơn giản của người dân, thật khó chấp nhận. Trách nhiệm ở đây thuộc về cơ quan quản lý đã không tìm ra cách thu phí bảo đảm công bằng.
Quay lại vấn đề "nóng" hiện nay là các trạm thu phí BOT. Để có trạm thu phí BOT, các doanh nghiệp đã phải bỏ vốn đầu tư để kinh doanh, bởi BOT có nghĩa là đầu tư - kinh doanh - chuyển giao. Nói nôm là nhà đầu tư phải bỏ vốn kinh doanh, thu phí trong thời gian nhất định, rồi chuyển giao lại cho Nhà nước. Như vậy, trước khi đầu tư, các doanh nghiệp phải tính toán kỹ lưỡng thiệt hơn, trong đó có cả mức phí sẽ thu, thời gian thu. Nếu thua lỗ, chắc hẳn chẳng ai dám đầu tư. Hợp đồng đã ký mà chỉ sau thời gian ngắn đã điều chỉnh mức thu, quả là lạ! Trước đây, việc kêu gọi đầu tư BOT rất khó khăn và VIDIFI là một trong những doanh nghiệp tiên phong. Thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp nhảy vào đầu tư các dự án BOT giao thông, trong đó có sự góp sức của không ít ngân hàng. Và trong các dự án BOT, vẫn có phần vốn nhà nước, chứ không hoàn toàn là vốn của doanh nghiệp. Dư luận có ý kiến cho rằng, khi dư thừa nguồn vốn, các nhà đầu tư cứ đổ vào dự án hạ tầng mà không tính toán kỹ lưỡng. Chắc hẳn là không, bởi các nhà đầu tư luôn tính toán cực kỳ kỹ lưỡng! Vấn đề đặt ra ở đây là một "cuộc chơi" sòng phẳng, đã ký hợp đồng BOT là "bút sa, gà chết". Lỗi tại cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng nhà nước phải chịu trách nhiệm, phải đền bù. Nhà đầu tư tính toán không thấu đáo nên thua lỗ, đương nhiên phải chịu. Khi một hợp đồng kinh tế được tuân thủ chặt chẽ trong một "cuộc chơi" sòng phẳng, chắc hẳn, người dân sẽ đồng thuận!