Người mắc tiểu đường tại Việt Nam tăng chóng mặt, vì sao?
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:42, 07/04/2016
3 triệu người mắc đái tháo đường
Tại hội thảo báo chí “Dự phòng và kiểm soát bệnh đái tháo đường tại cộng đồng” do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức ngày 7/4, hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật đang gia tăng nhanh và ngày càng trầm trọng của bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) nói riêng và các bệnh không lây nhiễm nói chung. Các nghiên cứu cho thấy, sau 10 năm, từ năm 2002 đến năm 2012, tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ trong cộng đồng đã tăng gấp hai lần, từ 2,7% lên 5,4%. Ước tính, hiện nay Việt Nam có khoảng 3 triệu người bị ĐTĐ, đặc biệt trong số đó có tới hơn 60% chưa được chẩn đoán.
Điều đáng nói, bệnh ĐTĐ có nguyên nhân quan trọng là do các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dựng rượu bia. “Hiện có khoảng 16 triệu người Việt Nam hút thuốc, trong số nam giới uống rượu bia có 25% uống ở mức nguy hại, khoảng 2/3 số người dân ăn thiếu rau và trái cây, có đến 30% người dân thiếu hoạt động thể lực”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Chính sự gia tăng các hành vi nguy cơ đã dẫn đến các rối loạn sinh hóa, chuyển hóa như thừa cân, béo phì, rối loạn đường màu, mỡ máu dẫn đến mắc bệnh ĐTĐ.
Xét nghiệm đường máu thường xuyên là biện pháp hiệu quả để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường (Trong ảnh:Nhân viên y tế xét nghiệm đường máu nhanh và tư vấn về ĐTĐ) |
Theo TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, ĐTĐ là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên thế giới, gia tăng nhanh chóng, là thách thức toàn cầu và đang là gánh nặng rất lớn đối với xã hội và hệ thống y tế.
Mục tiêu chiến lược hoạt động dự án phòng chống ĐTĐ giai đoạn 2016-2025 là khống chế tốc độ gia tăng của bệnh ĐTĐ tiến tới giảm tỷ lệ mắc bệnh, hạn chế tàn tật và tử vong sớm của bệnh. |
“Còn tại Việt Nam, mô hình bệnh tật đang thay đổi nhanh chóng từ năm 1990 đến năm 2010. Gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh ĐTĐ, tăng từ 42% lên 66%”, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương nói.
Gánh nặng tử vong và tàn phế do căn bệnh này là rất lớn, bởi ĐTĐ nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong và tà phế hàng đầu ở cả hai giới, gây ra các biến chứng nặng nề về tim mạch, tổn thương thần kinh, suy thận, nhiễm trùng và gây tổn thương bàn chân có thể khiến phải cắt cụt chi
Liên quan đến gánh nặng bệnh ĐTĐ ở Việt Nam, ông Lại Đức Trường, cán bộ của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho hay, chi phí cho điều trị, quản lý ĐTĐ tại Việt Nam là 162,7 USD/người; tổng chi phí nếu điều trị quản lý tất cả người bệnh ĐTĐ là 571 triệu USD/năm.
Có thể dự phòng
Một số thông tin khác được TS Phan Hướng Dương cung cấp rất đáng chú ý là, bệnh nhân ĐTĐ trải đều trên toàn quốc chứ không chỉ tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Trong đó, khu vực Tây Nam Bộ, Đồng bằng Sông Hồng có tỷ lệ mắc cao. Ngoài ra, tỷ lệ người bệnh ĐTĐ chưa được chuẩn đoán tại Việt Nam là khá cao. Năm 2002, tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ chưa được chẩn đoán là 64%, đến năm 2012, con số này là 63,6% trong khi ở các nước phát triển chỉ là 20-30%.
Điều rất đáng lo ngại hơn, độ tuổi mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2 đang ngày càng trẻ hóa. “Nếu như trước đây, bệnh nhân ĐTĐ có độ tuổi từ 40 trở lên thì nay trong quá trình khám và điều trị, chúng tôi thấy có cả những bệnh nhân ĐTĐ là những cháu bé chỉ mới 11,12 tuổi. Những trường hợp này không chỉ ở thành phố lớn mà còn ở các tỉnh miền núi như Phú Thọ”, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương lo lắng.
TS Phan Hướng Dương cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến gia tăng bệnh nhân ĐTĐ tại Việt Nam. Đó là, quy mô dân số và sự già hóa nhanh. Tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên tăng từ 8% vào năm 1999 lên 10,2% năm 2012; chỉ số già hóa dân số (tổng số người trên 60 tuổi/100 người dưới 15 tuổi) tăng nhanh từ 24,3% năm 1999 lên 42,7% năm 2012.
Tiếp đến là khẩu phần ăn đã thay đổi nhanh chóng, tạo ra sự mất cân bằng trong khẩu phần ăn và dư thừa năng lượng. “Mức độ tiêu thụ dầu, mỡ tăng nhanh từ 12gam/người/ngày năm 1985, 24,9gam năm 2000 tăng lên 37,7gam năm 2010”, TS Phan Hướng Dương dẫn chứng.
Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở lứa tuổi trẻ, thậm chí lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, đang tăng nhanh cũng là nguyên nhân khiến số bệnh nhân mắc ĐTD gia tăng.
Ngoài ra, kiến thức phòng chống bệnh của người dân còn thấp như: Thói quen ít quan tâm đến khám kiểm tra sức khỏe; công tác truyền thông chưa đáp ứng được yêu cầu do thiếu kinh phí, thiếu nhân lực, kiến thức của cán bộ truyền thông về phòng chống ĐTĐ…
Các chuyên gia khuyến cáo, ĐTĐ nguy hiểm nhưng có thể dự phòng được. Để phòng bệnh này, người dân cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày; không hút thuốc lá, không lạm dụng bia rượu; thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đường máu tại các cơ sở y tế, đặc biệt là người trên 40 tuổi.
ĐTĐ là bệnh mạn tính nặng, xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc khi cơ thể không sử dụng hiệu quả insuline sản xuất ra.
|