Thiên đường của "thế giới bóng tối"

Thế giới - Ngày đăng : 06:34, 07/04/2016

(HNM) - Trong thời đại

Công ty Luật Mossack Fonseca bị tố cáo giúp nhiều khách hàng trốn thuế.


Với 11,5 triệu tài liệu, chứa trong 2,6 terabyte dữ liệu của 214.488 công ty và 14.153 khách hàng của Công ty Luật Mossack Fonseca, "Hồ sơ Panama" là vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử, tiết lộ cách thức những người giàu có, quyền lực giấu tài sản của họ và đưa ra ánh sáng cái được gọi là "những điều ít người biết về một thế giới bóng tối của các chính trị gia và trùm tài phiệt thế giới". Quy mô của vụ rò rỉ này còn lớn hơn vài lần so với những điện tín ngoại giao của Mỹ bị WikiLeaks tiết lộ vào năm 2010 hay những tài liệu tình báo bí mật mà Edward Snowden công bố vào năm 2013.

"Hồ sơ Panama" đã cung cấp rất nhiều thông tin về các hoạt động tài chính của nhiều chính trị gia, cũng như những ngôi sao giải trí, vận động viên nổi tiếng trong các hoạt động chuyển tiền từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12-2015. Trong khoảng thời gian này, Công ty Mossack Fonseca đã lập mạng lưới khổng lồ để hỗ trợ hàng loạt chính trị gia và doanh nhân các nước che giấu tài sản và rửa tiền. Theo Hiệp hội Phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ), cách thức hoạt động của Mossack Fonseca là thành lập các công ty "ma" ở nước ngoài để giúp cho các thân chủ và dễ dàng thực hiện nhiều giao dịch ngầm.

Việc quản lý các công ty này được thực hiện bởi các luật sư, kế toán, những người không làm gì mấy ngoài việc ký tài liệu và đề danh tính của mình trên mẫu thư công ty. Khi giới chức muốn tìm hiểu xem ai là chủ thực sự của các khoản tiền này thì họ được cho biết đó là ban lãnh đạo. Một trong những điểm quan trọng trong cách thức hoạt động của Mossack Fonseca là việc chọn mở công ty tại các quốc gia được coi là "thiên đường trốn thuế" như British Virgin Islands, Bahamas, Panama… Họ chọn những nơi cho phép giấu tên chủ sở hữu, đồng thời có mức thuế siêu thấp, thậm chí 0%.

Tuy nhiên, sự "khôn ngoan" của Mossack Fonseca sẽ không thể khiến công ty này trụ vững lâu dài như vậy nếu như không có sự "trợ giúp" của Luật pháp Panama, một quốc gia vừa được chứng minh là một trong những "thiên đường trốn thuế" tốt nhất thế giới. Theo Trung tâm Thuế vụ Na Uy, câu chuyện này được bắt đầu từ năm 1919 khi đất nước Trung Mỹ cho các tàu nước ngoài đăng ký để giúp Tập đoàn Dầu khí khổng lổ của Mỹ Standard Oil trốn thuế và các quy định của Luật pháp Mỹ. Tiếp đó, nhiều chủ tàu khác từ Mỹ đã nối gót để né tránh những chính sách nghiêm ngặt của Mỹ về thuế khóa, lương bổng. Số tài khoản nước ngoài ở Panama tăng vọt từ năm 1970 khi giá dầu thế giới đắt đỏ.

Tất nhiên, phần quan trọng là do Panama có những chính sách thuế rất dễ dãi khi không đánh thuế đối với các công ty nước ngoài thu được lợi nhuận bên ngoài Panama và khách hàng của họ là các công ty bên ngoài Panama. Các công ty nước ngoài thành lập tại quốc gia nhỏ bé này cũng được miễn các loại thuế doanh nghiệp, thuế nhà thầu đánh vào các nhà thầu nước ngoài, thuế thu nhập, thuế lợi vốn, các khoản thuế địa phương, các loại thuế bất động sản hoặc thuế thừa kế, thuế quà tặng… Giới nhà giàu tin tưởng vào Panama còn bởi nước này có hệ thống pháp luật về tài chính hết sức nghiêm ngặt giúp tạo nên bức tường kiên cố bảo vệ tài sản và sự bí mật tuyệt đối cho các "đối tác".

Tại đây, tên của các cổ đông của một công ty không cần phải đăng ký công khai trong khi hệ thống luật bảo vệ sự riêng tư tài chính hay luật bảo mật tiền gửi ngân hàng cũng cực kỳ nghiêm ngặt. Các ngân hàng Panama không được phép chia sẻ thông tin về tài khoản và chủ tài khoản từ nước ngoài trừ những trường hợp đặc biệt có liên quan đến khủng bố, buôn lậu ma túy. Quốc gia chỉ hơn 74.000km2 cũng không kiểm soát ngoại hối nên việc chuyển tiền đến và ra khỏi Panama không cần khai báo. Việc không có hiệp định thuế với các nước khác cũng khiến việc gửi tiền tại đây giữ được bảo mật rất cao.

Ngay sau khi bị phanh phui, hàng loạt các quốc gia đã tiến hành các cuộc điều tra riêng biệt. Đặc biệt, vụ việc đã trực tiếp khiến Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson phải từ chức do có thông tin cho biết ông đã sử dụng một công ty "bình phong" để che giấu các khoản đầu tư trị giá hàng triệu bảng Anh. Dữ liệu của "Hồ sơ Panama" vẫn còn rất lớn. Hiện ICIJ, với tổng cộng hơn 370 nhà báo đến từ hơn 107 cơ quan truyền thông của gần 80 quốc gia, vẫn đang tiếp tục tham gia nghiên cứu lượng thông tin "khủng" này.

Quang Huy