Hạn chế danh sách cử tri "ảo": Nắm chắc thông tin, xử lý linh hoạt

Chính trị - Ngày đăng : 06:31, 07/04/2016

(HNM) - Hà Nội là địa bàn đông dân cư. Nhiều trường hợp, hộ khẩu ở địa phương này nhưng lại sinh sống ở địa phương khác. Làm thế nào để hạn chế tình trạng danh sách cử tri


- Hà Nội có nhiều lao động trong các khu công nghiệp, sinh viên các trường đại học, cao đẳng có hộ khẩu thường trú một nơi, nhưng lại ở một nơi khác. Liệu có xảy ra trường hợp, cả hai nơi cùng lập danh sách cử tri, thưa ông?

- Luật đã quy định, mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Do đó, về nguyên tắc, các cử tri đang đăng ký thường trú tại địa bàn được ghi tên vào danh sách cử tri mình thường trú, trừ trường hợp cử tri có nguyện vọng bỏ phiếu ở nơi khác thì cần thông báo lại với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc cán bộ lập danh sách cử tri của UBND cấp xã, phường. Tại các cuộc tập huấn, chúng tôi đề nghị các quận, huyện cần nghiên cứu kỹ tình hình và điều kiện cụ thể của địa phương để có các biện pháp và hình thức xử lý linh hoạt, phù hợp với thực tế ở cơ sở. Từng tổ dân phố phải đến từng nhà, rà từng người để nắm thông tin, nhu cầu của người dân. Sở Nội vụ cũng đề nghị UBND cấp xã không được yêu cầu cử tri phải xuất trình giấy tờ chứng minh đi bỏ phiếu ở nơi khác, chỉ cần thông báo miệng với tổ trưởng tổ dân phố để đơn giản thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho cử tri trong việc thực hiện quyền bầu cử.

Trường hợp công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về sau khi danh sách được niêm yết thì chỉ cần đến UBND cấp xã nơi mình đăng ký thường trú hoặc tạm trú mang theo hộ chiếu để ghi tên vào danh sách mà không cần thêm bất cứ thủ tục nào khác. Có như vậy mới khuyến khích cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Đồng thời, nắm chắc được số lượng cử tri có mặt ở địa phương trong ngày bầu cử để làm cơ sở tính tỷ lệ số cử tri đi bỏ phiếu, tránh tình trạng danh sách ảo, tỷ lệ cử tri đi bầu không cao.

Cử tri thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) trong cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Ảnh: Bá Hoạt


- Kinh nghiệm tổ chức các cuộc bầu cử cho thấy, việc giải quyết mọi phản ánh, khiếu nại, tố cáo là một nhiệm vụ quan trọng. Khi cử tri phát hiện danh sách cử tri sai hay các vi phạm pháp luật về bầu cử, có thể báo với tổ chức nào để được giải quyết nhanh, kịp thời nhất?

- Thành phố đã tổ chức kiểm tra và làm việc tại ủy ban bầu cử một số xã, phường để nắm tình hình chuẩn bị các bước về cuộc bầu cử, nhất là chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, rà soát, thống kê dân số trên địa bàn để tránh tối đa các vi phạm về bầu cử. Ngoài ra, tại hội nghị tập huấn lần thứ hai về nghiệp vụ công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vừa diễn ra, Sở Nội vụ đề nghị, chậm nhất ngày 12-4-2016, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội có nhiệm vụ lập, niêm yết danh sách cử tri bầu ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp tại trụ sở UBND phường và nơi công cộng của khu vực bỏ phiếu. Thông báo rộng rãi danh sách cử tri để nhân dân kiểm tra. Để giải quyết mọi thắc mắc của cử tri kịp thời, UBND TP Hà Nội cũng đã thành lập Tổ công tác giúp việc cho Tiểu ban Chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử là các cán bộ của Thanh tra thành phố, Ban Tiếp công dân, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy… Lực lượng này có nhiệm vụ xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức phụ trách bầu cử cấp huyện, cấp xã, phường tổ chức tiếp công dân; xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bầu cử .

Tổ công tác cũng chịu trách nhiệm tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về bầu cử và tham mưu cho Tiểu ban Chỉ đạo, giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND chỉ đạo xử lý theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. UBND thành phố yêu cầu thành viên Tổ công tác tiếp công dân thường xuyên trong cả quá trình diễn ra cuộc bầu cử. Do đó, mọi công dân có thắc mắc, kiến nghị, ngoài việc báo cáo với UBND cấp xã, các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử còn có thể đến trụ sở Ủy ban Bầu cử thành phố vào các ngày trong tuần, trừ thứ bảy, chủ nhật (phòng 1005, tầng 10, tòa nhà số 01 phố Hoàng Đạo Thúy, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) để được giải quyết kịp thời.

- Ở một số quận, huyện có địa bàn rộng rất muốn thành lập thêm các tổ chức trung gian ở xã, phường, thị trấn để giúp các ban bầu cử tập hợp kết quả bầu cử nhanh, gọn. Xin ông cho biết, nếu triển khai có vi phạm luật không?

- Xin trả lời ngay là để bảo đảm thống nhất và phù hợp với các quy định hiện hành, các địa phương không được thành lập thêm các tổ chức trung gian để tập hợp kết quả bầu cử. Song, tôi lưu ý là, cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương có quyền trưng tập cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập để giúp thực hiện các công việc liên quan đến tổ chức bầu cử bảo đảm tiến độ, chất lượng.

- Xin cảm ơn ông!

Hà Phong