Bài 2: Hành trình không có điểm dừng
Xã hội - Ngày đăng : 07:28, 06/04/2016
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang mới được xây dựng, nâng cấp có 500 giường bệnh nội trú với nhiều trang thiết bị chữa trị hiện đại. Ảnh: Viết Thành |
Không ngừng cập nhật kỹ thuật mới
Cuối tháng 3 vừa qua, các y, bác sĩ của Bệnh viện (BV) Đa khoa Xanh Pôn một lần nữa thực hiện thành công cặp ghép thận không cùng huyết thống. Để tiến hành cặp ghép này, BV đã huy động hàng chục y, bác sĩ chia thành nhiều kíp. Các kíp mổ lấy thận, kíp lọc rửa thận và kíp ghép thận đã phối hợp nhịp nhàng với nhau. Sau ghép thận, sức khỏe của cả người nhận và cho thận đều tiến triển tốt.
Cách đây 3 năm, vào 9h sáng ngày 28-12-2013, ca ghép thận đầu tiên của ngành y tế Hà Nội được thực hiện tại BV Đa khoa Xanh Pôn. Sự kiện này không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng đối với BV Xanh Pôn mà còn mở ra hướng phát triển mới trong việc triển khai những kỹ thuật cao và chuyên sâu đối với hệ thống y tế Thủ đô. Giám đốc BV Xanh Pôn Nguyễn Đình Hưng cho biết: Ngay sau cặp ghép đầu tiên thành công, BV đã đưa kỹ thuật ghép thận trở thành thường quy, mở ra hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân bị suy thận mạn tính. Sau mỗi cặp ghép thành công, những bệnh nhân ghép thận và cho thận đều quay lại BV khám, theo dõi sức khỏe định kỳ. Mỗi lần đến khám, người bệnh và gia đình lại chia sẻ tình cảm xúc động và lòng biết ơn đối với tập thể y, bác sĩ đã tận tình giúp đỡ họ tái hòa nhập trở lại với cuộc sống.
Không chỉ BV Đa khoa Xanh Pôn, nhiều BV trên địa bàn Hà Nội đã chủ động đi đầu ứng dụng phát triển các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Điển hình như các bác sĩ BV Việt Nam - Cuba đã tiến hành thành công ca phẫu thuật điều trị ung thư lưỡi, đồng thời tạo hình lưỡi mới từ vạt da, cơ đùi cho một bệnh nhân 57 tuổi ở Hà Nội.
Cùng với việc cập nhật những kỹ thuật mới với các chuyên ngành: Sản, nhi, tim mạch, ung bướu… ở nhiều BV của thành phố đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu đạt trình độ tương đương BV tuyến trung ương như: Kỹ thuật phức tạp về tim mạch can thiệp được triển khai thành công tại BV Tim Hà Nội; kỹ thuật xét nghiệm đột biến gen trong ung thư phổi, nút mạch hóa dầu trong điều trị ung thư gan nguyên phát tại BV Ung bướu Hà Nội; phẫu thuật sàn chậu, kỹ thuật sàng lọc trước, sau sinh tại BV Phụ sản Hà Nội… Trong năm 2015, các BV đã thực hiện gần 130 nghìn ca phẫu thuật; thực hiện các thủ thuật vượt 19,7% so với năm 2014; thực hiện trên 16 triệu ca xét nghiệm sinh hóa, trên 8 triệu xét nghiệm huyết học, trên 1 triệu ca chụp Xquang; chạy thận nhân tạo gần 59 nghìn trường hợp; thực hiện 125 ca thụ tinh trong ống nghiệm…
Tập trung nâng cấp cơ sở vật chất
Là khẳng định của Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về những "đổi mới" mang tính chiến lược của ngành y tế Thủ đô trong những năm gần đây. Phó Giám đốc Lưu Thị Liên cho biết, trong 5 năm qua (giai đoạn 2011-2015), Hà Nội đã quan tâm, đầu tư nâng cấp cho các cơ sở khám, chữa bệnh với nguồn vốn lên đến gần 4.000 tỷ đồng, tạo diện mạo mới cho y tế Thủ đô như: Đưa vào sử dụng BV Đa khoa huyện Gia Lâm, quy mô 150 giường bệnh; nâng cấp, mở rộng BV Đa khoa Đức Giang, quy mô 500 giường bệnh; khởi công xây dựng mới BV Nhi Hà Nội với 500 giường bệnh...
Điều này giúp cho mạng lưới khám, chữa bệnh của Hà Nội đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Hiện tại, hệ thống khám, chữa bệnh của ngành y tế Thủ đô có 41 BV công lập đa khoa và chuyên khoa, 26 BV ngoài công lập, 52 phòng khám đa khoa... Toàn ngành đã có 11.000 giường bệnh, hơn 20.000 cán bộ, rất nhiều cán bộ là những chuyên gia giỏi, đầu ngành trong những lĩnh vực y tế chuyên sâu. Nhờ việc sửa chữa, nâng cấp, xây mới nhiều cơ sở y tế, đến năm 2015, tỷ lệ giường bệnh tăng từ 19,6 lên 21,7/10.000 dân. Ngành y tế Thủ đô sẽ tiếp tục phấn đấu để nâng số giường bệnh/vạn dân là 23 vào năm 2020, hoàn thành chỉ tiêu mà thành phố đề ra.
Trong giai đoạn 2016-2020, ngành y tế Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội, huy động hiệu quả nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tích cực tham gia vào công tác xã hội hóa y tế trên địa bàn thành phố, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm quá tải BV, phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu. Ngành y tế Hà Nội cũng sẽ tập trung nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, hướng tới mục tiêu 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế trong giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí lên đến hơn 1.400 tỷ đồng. Riêng trong năm 2015, toàn ngành đã thực hiện khám chữa bệnh cho trên 5 triệu lượt người (tăng 6,7% so với năm 2014) và tổng số người bệnh điều trị nội trú hơn 680 nghìn người (tăng 10,9% so với năm 2014).
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI xác định: Đến năm 2020, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm xuống dưới 0,8‰, tỷ suất chết trẻ dưới 5 tuổi giảm xuống dưới 10‰, trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 9%. Mỗi năm giảm 0,1‰ tỷ suất sinh so với năm trước; từ 15,8‰ năm 2015, xuống còn 15,3‰ năm 2020. Tỷ lệ bác sĩ đạt 13,5/10.000 dân; dược sĩ đại học 2,5/10.000 dân; điều dưỡng 3-4 nhân viên/1 bác sĩ; 23 giường bệnh/10.000 dân và 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (theo chuẩn mới của Bộ Y tế). |