Gỡ khó cho hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân

Kinh tế - Ngày đăng : 07:20, 06/04/2016

(HNM) - Toàn TP Hà Nội có gần 100 quỹ tín dụng nhân dân (TDND) với nguồn vốn gần 8.000 tỷ đồng đã đóng góp tích cực vào xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động của mô hình này hiện đang gặp không ít khó khăn.

Người dân làm thủ tục vay tại Quỹ tín dụng nhân dân Quang Trung (Hà Đông). Ảnh: Linh Ngọc


Trước thực trạng đó, ngày 5-4, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố, Câu lạc bộ Quỹ TDND thành phố đã phối hợp tổ chức hội thảo bàn biện pháp gỡ khó cho hoạt động của quỹ TDND.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Phạm Văn An: Hệ thống Quỹ TDND đã giúp cho hàng chục nghìn nông hộ vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Quỹ TDND là nơi an toàn thuận lợi để người dân gửi các khoản tiền nhàn rỗi sau thu hoạch mùa vụ, với mục tiêu tương trợ lẫn nhau phát triển kinh tế, không chạy theo lợi nhuận đơn thuần.

Ông Trần Đức Tiến, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quỹ TDND Hà Nội cho rằng: Hệ thống quỹ TDND trên địa bàn đang gặp muôn vàn khó khăn, đụng đâu vướng đấy. Ngoài phí bảo hiểm tiền gửi như các tổ chức tín dụng khác, quỹ còn phải đóng thêm phí an toàn hệ thống lên tới 0,08% tổng nguồn vốn. Nghĩa là một quỹ TDND có 300 tỷ đồng thì phải nộp phí an toàn hệ thống lên tới 240 triệu đồng/năm. Ngoài ra, mỗi thành viên khi tham gia phải nộp phí 300 nghìn đồng, góp vốn tối thiểu 100 nghìn đồng/năm.

Số tiền tuy không lớn nhưng cũng là gánh nặng với không ít hộ nông dân. Nhiều người mua đất xây nhà, sinh sống ổn định tại địa phương nhưng vì nhiều lý do không hoặc chưa chuyển khẩu nên không được tham gia vay và gửi tiền tại quỹ. Các quỹ TDND chỉ được cho vay hộ gia đình, cá nhân, còn HTX, doanh nghiệp nhỏ lẻ có nhu cầu không thể tiếp cận nguồn vốn...

Ông Tiến dẫn chứng: Quỹ TDND Vân Canh (Hoài Đức), có nguồn vốn lên tới cả trăm tỷ đồng nhưng HTX không thể vay vài trăm triệu đồng để nhập vật tư nông nghiệp phục vụ nông dân trong 1-3 tháng. Theo TS Nguyễn Vân Hà, Học viện Ngân hàng: Khi Việt Nam gia nhập TPP, hệ thống ngân hàng nói chung, nhất là hệ thống quỹ TDND sẽ bị ảnh hưởng, tổn thương lớn hơn nếu hoạt động không có chuyên nghiệp, bài bản và hiệu quả.

Thực tế trong thời gian qua, một số quỹ TDND hoạt động không hiệu quả do nhận thức, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, ban quản trị quỹ hạn chế, yếu kém, gây thất thoát lãng phí. Tuy nhiên không vì thế mà Ngân hàng Nhà nước siết quá chặt quản lý. Vấn đề cốt lõi là phải đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quỹ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, khi Việt Nam gia nhập TPP. Mặt khác, Nhà nước cần có cơ chế chính sách và chiến lược đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cho khu vực này, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm.

Ông Phạm Văn Vũ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội cho rằng: Để khắc phục những khó khăn vướng mắc hiện nay của hệ thống quỹ TDND, Nhà nước cần xem xét và sớm có những điều chỉnh phù hợp. Bản thân các quỹ TDND phải khai thác tối đa lợi thế của mô hình HTX hoạt động trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng. Các quỹ TDND phải khai thác tối đa lợi thế và mục tiêu hoạt động theo quy định là liên kết, hợp tác và cùng phát triển của các thành viên thay vì cạnh tranh với các tổ chức ngân hàng chuyên nghiệp.

Bạch Thanh