Bài cuối: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp

Đời sống - Ngày đăng : 07:05, 06/04/2016

(HNM) - Theo chương trình hành động năm 2016 của thành phố, mục tiêu đặt ra là 100% dân số thành thị được dùng nước sạch; 100% dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh, trong đó 38% được dùng nước sạch.

Người dân sẽ không phải xếp hàng lấy nước khi hệ thống cấp nước sạch hoạt động đồng bộ, hiệu quả.


Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các sở, ngành, cơ quan liên quan, đặc biệt là trong việc kết nối, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, năm nay, vẫn khó khăn về nguồn cung. Hiện tại, Hà Nội vẫn chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm, công suất khai thác 700.000m3/ngày đêm. Nhược điểm của khai thác nước ngầm là chất lượng không đồng đều, nhiều giếng phải ngừng khai thác do nhiễm asen, kim loại nặng... Mặt khác, khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến lún, sụt tầng đất, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác. Vì vậy, quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ hạn chế dần, tiến tới không khai thác nước ngầm, phát triển khai thác nước mặt Sông Đà, Sông Lô, Sông Đuống, Sông Hồng, với tỷ lệ khai thác nước mặt đến năm 2020 là 65% và đến năm 2030 đạt 83%.

Theo quy hoạch, giai đoạn năm 2016-2020, Hà Nội sẽ xây mới Nhà máy Nước mặt Sông Hồng, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống, đồng thời nâng công suất Nhà máy Nước Sông Đà lên 600.000m3/ngày đêm. Với 3 dự án khai thác nước mặt, sản xuất nước sạch, bức tranh tổng thể về quy hoạch và bổ sung nguồn nước cung ứng cho Thủ đô đã rõ. Sau khi hoàn thành 3 dự án, cơ bản nguồn cung nước sạch cho khu vực đô thị đáp ứng nhu cầu phát triển, đồng thời có thể mở rộng mạng lưới cấp nước khu vực ngoại thành. Cùng với đó, Công ty Nước sạch Hà Nội tiếp tục dự án cải tạo mạng lưới cấp nước, giảm tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch.

Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội Đỗ Quý Hùng cho biết: Trên địa bàn thành phố còn nhiều trạm cấp nước nông thôn do huyện xây dựng, khi hoàn thành bàn giao cho xã, xã lại giao cho HTX quản lý, vận hành. Nhưng do năng lực quản lý, vận hành kém dẫn tới thất thoát, không hiệu quả, thu không bù chi, thậm chí phải dừng hoạt động trong khi người dân thiếu nước sinh hoạt. Để khắc phục, ông Hùng kiến nghị giao cho doanh nghiệp quản lý, vận hành các trạm cấp nước.

Nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Duy Tâm cho rằng: Nước sạch nông thôn đang có sự bất cập, đối với khu vực thị trấn thực hiện theo quy hoạch cấp nước đô thị đến năm 2030 trong khi quy hoạch nước sạch nông thôn chỉ đến năm 2020. Quy hoạch nước sạch đô thị thì do ngành Xây dựng đảm nhận, còn nước sạch nông thôn lại do ngành Nông nghiệp phụ trách, như vậy thiếu tính kết nối đồng bộ hệ thống nước sạch của một khu vực.

Một minh chứng là các trạm cấp nước nông thôn hiệu quả thấp, trong khi đường ống nước sạch Sông Đà đi qua nhiều huyện ngoại thành, đặc biệt là khu vực huyện Thạch Thất (có nhiều xã đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng như Chàng Sơn, Bình Phú, Thạch Xá…) nhưng không thể đấu nối, sử dụng nguồn nước Sông Đà. Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội Đỗ Quý Hùng cho biết đã tính đến phương án này và hiện đã đưa vào quy hoạch.

Thành phố cũng đã giao Công ty Nước sạch Hà Nội thực hiện dự án "Đầu tư phát triển hệ thống cấp nước trục Đường Láng - Hòa Lạc sử dụng nguồn nước sạch Sông Đà" bằng nguồn vốn vay ADB cho 36 xã thuộc các huyện Quốc Oai (10 xã), Thạch Thất (10 xã) và huyện Hoài Đức (16 xã). Theo kế hoạch, hệ thống cấp nước sạch cho nhân dân các xã trên sẽ được triển khai xây dựng trong năm 2017. Bên cạnh đó, đã có dự án mở rộng hệ thống cấp nước quận Hà Đông cấp cho các huyện Hoài Đức, Thanh Oai sử dụng nguồn nước sạch Sông Đà và giao Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông làm chủ đầu tư. Hiện nay, dự án trên đã được doanh nghiệp thực hiện và cấp nước ổn định cho các xã An Khánh, La Phù, Đông La (Hoài Đức) và xã Bích Hòa (Thanh Oai)...

Trước rất nhiều những khó khăn, bất cập trong việc đưa nước sạch về nông thôn, Hà Nội đang hoàn thiện Chương trình 02 về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân giai đoạn 2016-2020, một trong những chỉ tiêu quan trọng được Thành ủy đặc biệt quan tâm đó là nâng chỉ tiêu người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó nước sạch đạt 70%. Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, khi 7 dự án sử dụng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới hoàn thành (cuối năm 2017), khu vực nông thôn Hà Nội sẽ có thêm 4,33% dân số được sử dụng nước sạch.

Nếu 6 dự án liên xã ở các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Mê Linh được đầu tư sẽ cấp nước sạch cho 6,5% dân số nông thôn. Đối với dự án hỗ trợ thiết bị lọc nước gia đình, nếu được cấp đủ kinh phí cho 30.000 bộ thiết bị còn thiếu thì có thêm 3,1-3,87% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch. Các doanh nghiệp cải tạo, phục hồi, nâng công suất 16 trạm cấp dở dang sẽ cung cấp nước sạch cho thêm 1-2% dân số nông thôn. Để sớm đạt được mục tiêu, Sở NN&PTNT kiến nghị cần bố trí đủ vốn trong năm 2016 để thực hiện các chương trình, dự án; đơn giản hóa thủ tục hành chính, có chính sách ưu đãi để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nước sạch.

Hưởng ứng “Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2016”

(HNM) - Bộ NN&PTNT vừa triển khai tổ chức hưởng ứng "Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2016" với chủ đề "Nước sạch và vệ sinh môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu". Theo đó, thời gian tổ chức phát động và hưởng ứng từ 15-4 đến 15-5, có thể kéo dài đến ngày Môi trường thế giới 5-6 và lồng ghép với các hoạt động của các ngày lễ lớn 30-4 và 1-5 hoặc các ngày lễ hội của địa phương...

Đi đôi với công tác tuyên truyền, huy động toàn dân làm tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa gắn với phong trào "Toàn dân xây dựng nông thôn mới", từng địa phương tổ chức hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường bảo đảm trang trọng, thiết thực, tránh phô trương, hình thức, lãng phí...

Kim Nhuệ

Kim Nhuê - Nguyễn Mai - Thanh Hải