Từ “phim trường” trái luật nghĩ về chuyện “đất chết”

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:57, 06/04/2016

(HNM) - Trên diện tích cả chục nghìn mét vuông tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, một phim trường

Chủ đầu tư phim trường Cherry land đang tự phá dỡ công trình vi phạm.


Đất trồng rau hóa thành "phim trường"

Xứ Đồng Ang thuộc xã Thanh Liệt vốn là "rốn" nước thải ô nhiễm của xã Thanh Liệt và Tân Triều (huyện Thanh Trì), được người dân sử dụng để trồng rau. Tuy nhiên, do hiệu quả sản xuất kém nên có chỗ người dân bỏ hoang hóa. Năm 2008, ông Hoàng Ánh thỏa thuận thuê lại gần 10.000m2 đất nông nghiệp của hơn 40 hộ dân để phát triển làm mô hình kinh tế vườn, ao chuồng (VAC) và được UBND huyện Thanh Trì phê duyệt bằng Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 12-3-2009.

Sau đó ông Hoàng Ánh lại tiếp tục cho ông Nguyễn Đăng Cương thuê lại và ông Cương đã cho xây dựng khu phim trường Cherry land gồm 3 công trình lợp mái tôn với diện tích hàng trăm mét vuông; cổng chào xây dựng bằng gạch cao khoảng gần 5m và một bể bơi diện tích gần 60m2. Ngoài ra còn có hệ thống tiểu cảnh tại vườn hoa, ao cá phục vụ việc chụp ảnh được lắp ghép từ thạch cao, bê tông, xốp và gỗ.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Đăng Cương cho biết, công trình khai trương từ tháng 10-2015 và được xây dựng trước đó khoảng 3 tháng. Trong quá trình xây dựng, đã vài lần chính quyền địa phương và cán bộ thanh tra xây dựng (TTXD) lập biên bản, ra quyết định xử lý vi phạm. Ngày 23-3-2016, Đội TTXD huyện Thanh Trì cùng UBND xã Thanh Liệt đã lập biên bản, xác định công trình xây dựng của ông Nguyễn Đăng Cương xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Đến ngày 28-3-2016, UBND xã Thanh Liệt ban hành Quyết định số 55/QĐ-UBND về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng. Ngày 31-3-2016 UBND xã Thanh Liệt tiếp tục ban hành Thông báo số 45/TB-UBND, yêu cầu ông Nguyễn Đăng Cương "phải có mặt tại công trình vào hồi 8h ngày 6-4-2016 và di chuyển tài sản ra khỏi công trình vi phạm để UBND xã Thanh Liệt tiến hành cưỡng chế". Chấp hành thông báo trên, từ ngày 1-4-2016, chủ đầu tư đã bắt đầu tự tháo dỡ công trình vi phạm.

Cách công trình của ông Nguyễn Đăng Cương không xa, ở khu Đìa Kính, xã Thanh Liệt, cũng có một "phim trường" quy mô của bà Đặng Thị Hồng, kết hợp thả cá với cho thuê để chụp ảnh. Theo ông Trần Quang Khải, Đội phó Đội TTXD huyện Thanh Trì, công trình này cũng vi phạm quy định tương tự như công trình của ông Nguyễn Đăng Cương. Từ tháng 11-2015, UBND xã Thanh Liệt đã ban hành quyết định cưỡng chế và bà Hồng đã tự tháo dỡ một ngôi nhà khung thép mái tôn, diện tích hơn 100m2 vào ngày 25-11-2015. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó đến tháng 3-2016, nhiều hạng mục còn lại chưa được xử lý. Trước tình trạng này, ngày 22-3-2016 UBND xã Thanh Liệt xây dựng kế hoạch và đến ngày 26-3-2016 đã tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm của bà Hồng...

Không thể để "đất chết"

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, quan điểm của huyện là xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sử dụng đất sai mục đích, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp ở xã Thanh Liệt. UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Thanh Liệt và Đội TTXD huyện khẩn trương tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng ban đầu.

Bày tỏ quan điểm về việc sử dụng đất đối với những diện tích đất nông nghiệp xen kẹt, sản xuất không hiệu quả, ông Cường khẳng định, phát huy hiệu quả sử dụng đất luôn được khuyến khích, nhưng phải tuân thủ quy định pháp luật, các dự án phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện. Hiện trong tổng số 3.250ha đất nông nghiệp tại Thanh Trì chỉ có 1.230ha được cung cấp nước Sông Hồng để sản xuất, còn lại đều phải lấy nước sông Tô Lịch, Sông Om (một nhánh của sông Tô Lịch chảy qua địa bàn Thanh Trì). Nguồn nước ô nhiễm nên khó tránh sản xuất kém hiệu quả. Thời gian tới chính quyền huyện sẽ mời các cơ quan chức năng về khảo sát, tư vấn, đề ra những phương án có tính khả thi để khai thác hiệu quả quỹ đất nông nghiệp, nhất là những diện tích đất xen kẹt giữa các khu dân cư, đất bị ô nhiễm nước thải...

Theo khảo sát của phóng viên, tình trạng đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả, để hoang hóa không phải chỉ diễn ra ở Thanh Trì. Tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, nhiều khu vực trước đây là cánh đồng lúa trĩu bông, nhưng nay chỉ là ruộng rau muống cằn cỗi, thậm chí bị bỏ hoang cũng do thiếu nước tưới, nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Trước đây, Phú Đô nổi tiếng là vùng trồng lúa quan trọng của huyện Từ Liêm với 157ha canh tác lúa nước. Vài năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã khiến diện tích canh tác của Phú Đô giảm còn 54ha, nhưng trên thực tế, hiện chỉ còn 4ha có thể trồng trọt, nhưng không thể cấy lúa. Nhìn dòng Sông Nhuệ đen kịt, không ai có thể nghĩ rằng đó từng là nguồn nước tưới tiêu chính cho cả một vùng.

Tương tự tại huyện Hoài Đức, hiện nay phần lớn diện tích đất nông nghiệp của địa phương này nằm trong quy hoạch khu đô thị và khu, cụm, điểm công nghiệp. Thực tế này dẫn đến có nhiều diện tích đất canh tác bị xen kẹt, "chờ" quy hoạch nên rất khó sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê, huyện Hoài Đức hiện có 37ha diện tích đất không thể canh tác. Theo ông Nguyễn Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, hiện nay các xã đề xuất, kiến nghị cho lập dự án để nuôi trồng thủy sản, trồng cây hằng năm, triển khai mô hình lúa cá... để phát huy hiệu quả sử đụng đất. Riêng đối với xã Lại Yên, UBND xã đã trình UBND huyện cho phép sử dụng 3ha đất trũng làm nơi chứa đất thải rồi sau đó chia cho người dân.

Trên thực tế người dân một số xã ở huyện Hoài Đức đã "chuyển đổi tự phát" các diện tích đất nông nghiệp khó sản xuất. Tại xã Di Trạch hiện có 70ha đất nông nghiệp trước đây trồng lúa nay người dân chuyển đổi sang trồng ổi, trồng táo hiệu quả; ở Cát Quế trồng bưởi, phật thủ, hoa; xã Kim Chung trồng táo... Ông Nguyễn Văn Hiến kiến nghị về lâu dài cần đẩy nhanh thực hiện các quy hoạch và sớm triển khai các công trình tiêu thoát nước.

Về thực trạng "chuyển đổi tự phát có hiệu quả" tại một số xã trên địa bàn, theo ông Hiến, cần được kiểm soát chặt chẽ, tránh làm thay đổi hiện trạng đất, đặc biệt là nghiêm cấm việc xây dựng công trình kiên cố. Tương tự, tại xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai), sau dồn điền đổi thửa, quỹ đất công ích của xã là 10ha tại khu vực được coi là "rốn nước" của huyện Quốc Oai. UBND xã đã tổ chức đấu giá (thời hạn 1 năm) để phát triển mô hình lúa cá, nhưng hiệu quả thấp. Ông Vũ Hồng Toàn, Chủ tịch UBND xã Đồng Quang, cho rằng với quy định theo luật hiện nay thì xã không thể cho thuê thầu dài hơn giúp người dân yên tâm đầu tư.

Không ít diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội sản xuất kém hiệu quả do cả nguyên nhân chủ quan, khách quan và điều này đang ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã xây dựng quy hoạch phát triển lúa TP Hà Nội theo hướng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm chuyển đổi mô hình trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thu nhập cao hơn. Thế nhưng, để sớm hiện thực hóa quy hoạch, phát huy hiệu quả sử dụng đất, các cấp, các ngành cần có những chính sách kịp thời hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mô hình sản xuất kinh doanh để tăng thu nhập, bảo đảm đời sống ngay tại quê hương.

Nhóm phóng viên PSĐT