Đã rõ những bất cập cần khắc phục

Xã hội - Ngày đăng : 06:25, 06/04/2016

(HNM) - Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi từ lâu đã trở thành vấn nạn gây hại cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến nòi giống Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết: Hiện tại tình trạng lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi đã cơ bản được ngăn chặn bởi có sự vào cuộc, kiểm tra thường xuyên của các ngành chức năng. Cụ thể, trong năm 2015 và 2 tháng đầu năm 2016, Cục Chăn nuôi đã lấy 1.239 mẫu thức ăn, phát hiện 17 mẫu có chất cấm. Ông Nguyễn Văn Việt cho biết thêm, không phải toàn bộ sản phẩm thịt bán trên thị trường đều có chất cấm, mà chỉ còn một số ít sản phẩm của các trang trại nhỏ lẻ thông qua thương lái và người tiếp thị cung cấp chất Salbutamol trộn trực tiếp vào thức ăn cho lợn. Tuy nhiên, việc nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng chất Salbutamol vẫn hết sức phức tạp. Theo một thống kê, trong năm 2015, các công ty dược đã nhập 9.140kg chất cấm, trong đó có 6.248kg bán ra ngoài, không đúng đối tượng, sai mục đích. Hiện nay, trong kho của các công ty dược còn khoảng 1.334kg Salbutamol và các cơ quan chức năng tiến hành thu hồi 2.025kg đã phối trộn.

Cần có biện pháp ngăn chặn triệt để tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Ảnh: Đàm Duy


Lo ngại về tình trạng sử dụng chất cấm và sử dụng thuốc kháng sinh sai mục đích, GS Vũ Duy Giảng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đặt câu hỏi: Nhà nước đã có nhiều văn bản và các ngành thường xuyên vào cuộc kiểm tra, xử lý nhưng tại sao chất cấm vẫn còn? Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Hà Nội mới chủ động được 60% sản phẩm thịt, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố; thời gian qua các ngành chức năng đã kiểm tra lấy mẫu ở lò mổ, phát hiện có chất cấm trong lợn ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương nhập về Hà Nội. Điều đáng nói là việc kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm định lượng chất cấm trong chăn nuôi mất nhiều thời gian trong khi sản phẩm lưu thông chủ yếu hàng tươi sống bán trong ngày hoặc sử dụng test nhanh kiểm tra kết quả không chính xác. Chưa kể việc thiếu hướng dẫn, quy định cụ thể về cách xử lý các lô gia súc, gia cầm nghi có chất cấm trong thời gian chờ kết quả phân tích định lượng, dẫn tới không xử lý triệt để.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN& PTNT) cho rằng, tuyên truyền, phổ biến tác hại của chất cấm, kháng sinh tồn dư trong chăn nuôi là một trong những giải pháp quan trọng: Phải thông tin đầy đủ về các mức độ xử phạt đối với người buôn bán sử dụng chất cấm, hình thức phạt tiền cũng như "cấu thành" tội phạm... Kinh nghiệm của nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Hà Nam là chính quyền huyện tuyên truyền, vận động các hộ dân không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nếu sử dụng, sẽ xử lý nghiêm. Đồng thời, rà soát hoàn thiện thể chế liên quan trong kiểm soát chất cấm; kiểm tra đột xuất ở các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, lò giết mổ, nhất là những cơ sở nhỏ lẻ... Nếu phát hiện, ngoài xử phạt bằng tiền, phải tiêu hủy theo đúng quy định. Bộ Y tế có biện pháp quản lý hiệu quả các công ty dược trong việc nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng chất Salbutamol. Theo ông Nguyễn Văn Việt, chất cấm bây giờ chủ yếu nằm ở các trang trại, thông qua thương lái cung cấp thức ăn. Như vậy, phải tập trung kiểm tra, giám sát hoạt động của các trang trại, lò mổ. Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị sửa các quy định về xử phạt theo hướng tăng nặng để ngăn chặn triệt để tình trạng này.

Trao đổi nội dung trên, ông Nguyễn Huy Đăng cho biết: Thành phố đã ban hành kế hoạch quản lý chất cấm trong chăn nuôi và bố trí nguồn lực để thực hiện. Công an thành phố chỉ đạo công an cơ sở xã, phường phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý, ngăn chặn và phát hiện các đối tượng sử dụng chất cấm để xử lý theo quy định. Cùng với đó là việc tăng cường xây dựng cơ sở chăn nuôi theo VietGap, có chính sách khuyến khích các mô hình này hoạt động có hiệu quả; đồng thời triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp với các tỉnh trong việc kiểm soát thịt gia súc, gia cầm khi đưa về Hà Nội… Theo GS Vũ Duy Giảng, cần có một hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm thống nhất (hiện nay, Bộ Y tế quản lý thực phẩm chế biến, Bộ NN&PTNT quản lý sản phẩm tươi sống, Bộ Công thương quản lý thực phẩm lưu thông trên thị trường). Hệ thống này có vai trò phối hợp, điều hành các hoạt động quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm của các bộ và các tổ chức có liên quan.

• Trong quý I-2016, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 20 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là 480.457.000 đồng, trong đó có 13 công ty vi phạm về quảng cáo, 6 công ty vi phạm về chất lượng sản phẩm, 1 công ty vi phạm 2 hành vi (quảng cáo và ghi nhãn); thu hồi 4 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; tạm dừng lưu thông 6 lô sản phẩm vi phạm. 7 công ty bị xử phạt từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng.

Trong đầu tháng 4-2016, Cục An toàn thực phẩm, Thanh tra Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương và các cơ quan quản lý hoạt động truyền thông, bán hàng online tổ chức hội nghị phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm nhằm đưa ra các giải pháp tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng qua mạng.

• Sắp tới, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và Bộ Công an sẽ ký hợp tác kiểm soát chất cấm.

Ngọc Quỳnh