Bài 2: Bất cập trong cấp nước đô thị

Đời sống - Ngày đăng : 06:58, 05/04/2016

(HNM) - Không chỉ nông thôn mà người dân đô thị cũng lo lắng vì thiếu nước sạch sinh hoạt, đặc biệt là vào cao điểm mùa hè, hay mỗi khi đường ống xảy ra sự cố.

Công ty nước sạch cung cấp nước cho người dân ở ngõ 840, đường Láng vào sáng nay 20/8/2015. Ảnh: PetroTimes


Theo Sở Xây dựng Hà Nội, "trọng điểm" khát nước sạch đô thị nằm ở hai quận vừa mới thành lập là Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, còn về cơ bản, các quận trong nội thành đều bảo đảm tỷ lệ 100% người dân được dùng nước sạch.

Theo ông Nguyễn Duy Cường, Trưởng phòng Quản lý đô thị - UBND quận Nam Từ Liêm, quận còn khoảng 15% hộ dân chưa được cấp nước sạch sinh hoạt, chủ yếu tại các phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, Xuân Phương và Phương Canh. "Quận đã phối hợp với các đơn vị cấp nước sạch, đề xuất kế hoạch đầu tư hệ thống mạng phân phối" - ông Cường cho biết. Trong đó, phường Tây Mỗ và Đại Mỗ còn khoảng 5.000 hộ dân chưa có hệ thống nước; các dự án đã được lập nhưng lại khó về nguồn vốn. Quận đã đề xuất với thành phố, mời các sở, các công ty kinh doanh nước sạch tìm cách tháo gỡ. Và đến nay, dự án đang triển khai sau khi UBND quận thí điểm mô hình huy động nguồn vốn từ người dân để phối hợp cùng công ty nước sạch xây dựng mạng lưới cấp nước.

Khu vực phường Xuân Phương, theo ông Cường, vướng mắc liên quan đến dự án đầu tư tuyến đường Mỹ Đình - Xuân Phương, do Công ty Tasco làm chủ đầu tư. Có thời điểm dự án dừng thi công nên ảnh hưởng đến việc đầu tư mạng cấp nước của Công ty cổ phần VIWACO - là đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng nước sạch trên địa bàn. Hiện nay, dự án của Tasco đã được khởi động lại, đang cấp tập triển khai và dự kiến đầu năm 2017 sẽ hoàn thành, như vậy đường nước sẽ xong vào thời điểm này và người dân sẽ được bố trí đầy đủ nguồn nước sạch.

"Khó nhất nằm ở khu tái định cư phường Phương Canh" - ông Cường cho biết. Khi tách từ huyện Từ Liêm, địa giới hành chính thuộc về quận Nam Từ Liêm nhưng dự án nước sạch cho Phương Canh lại do Trung tâm Quỹ đất quận Bắc Từ Liêm thực hiện. Hai năm nay, dự án này chưa triển khai được vì vướng thủ tục. Chúng tôi đã chủ động mời quận Bắc Từ Liêm tìm cách tháo gỡ nhưng còn rất chậm. Để xử lý tình thế, hằng ngày, Công ty cổ phần VIWACO đưa 2 xe xtéc chở nước về bán cho người dân. Đồng thời, UBND phường Phương Canh liên hệ với Công ty Nước sạch Hà Nội nghiên cứu đấu nối đường ống nước cung cấp cho người dân. "Chúng tôi cố gắng trong vòng một tháng nữa người dân khu vực này sẽ có nước sạch" - ông Cường khẳng định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sỹ, Chánh Văn phòng UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, địa bàn quận còn khoảng 10% hộ dân chưa được dùng hệ thống nước sạch sinh hoạt, chủ yếu ở địa bàn phường Thượng Cát, với khoảng 2.200 hộ. Đây cũng là khu vực dư luận phản ánh, dự án cấp nước "đắp chiếu" trong khi người dân thiếu nước sử dụng. Ông Sỹ lý giải, sở dĩ có chuyện đó là do khó khăn về nguồn nước thô cấp cho trạm, nên đến nay đã 6 năm vẫn chưa thể đưa vào khai thác, gây bức xúc trong nhân dân. "Tháng 5-2010, khi còn là huyện Từ Liêm, Công ty Nước sạch Hà Nội đã đề nghị huyện bố trí hai địa điểm để khoan giếng cấp nước cho trạm Thượng Cát, dự kiến đầu năm 2012 sẽ có nước sạch để cấp cho nhân dân, song khoan thăm dò, địa tầng cả hai vị trí đều không có nước. Cuối năm 2014, quận Bắc Từ Liêm giới thiệu tiếp 3 vị trí khác ở phường Liên Mạc và Tây Tựu. Hiện, Công ty Nước sạch Hà Nội đang lập dự án bổ sung" - ông Sỹ cho biết.

Tình trạng thiếu nguồn nước cũng là khó khăn đối với các doanh nghiệp cung ứng nước trên địa bàn Hà Nội. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, hằng năm, giếng khai thác nước ngầm suy giảm từ 4% đến 6%; nguồn nước Sông Đà cung cấp cho mạng cấp nước của Công ty chỉ đạt bình quân từ 36.000m3/ngày đêm, lại thường xảy ra sự cố; trong khi nhu cầu sử dụng nước tăng từ 2-3% do phát triển dân số cơ học, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, vào dịp nắng nóng, thường từ 15-4 đến hết tháng 5-6, nhu cầu sử dụng nước tăng đột biến, lượng nước thiếu hụt 10-15%, tương đương 40.000-60.000m3/ngày đêm. Hầu hết các quận nội thành đều có điểm khó khăn về nước, thường là ở cuối nguồn, cốt nền cao. Những năm qua, khi đường nước Sông Đà gặp sự cố, điểm khó khăn về nước rộng hơn, thậm chí kéo dài vài tuần.

Ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Công ty cổ phần VIWACO, đơn vị cung ứng nước cho khoảng 70.000 khách hàng trên địa bàn Tây Nam thành phố như quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm… cho biết, đầu tư phát triển mạng rất khó vì hạn chế về nguồn cấp; mở thêm địa bàn này, địa bàn khác áp lực bị yếu. "Hầu hết, dự án mạng hiện nay phục vụ nhu cầu dân sinh bức xúc và tăng cường chất lượng cấp nước" - ông Việt nói. Cũng theo ông Việt, toàn bộ nguồn của VIWACO từ Nhà máy Nước Sông Đà nên khi đường ống sự cố, phạm vi ảnh hưởng rất lớn, mà không có nguồn thay thế, bổ sung.

Thừa nhận, dự án tuyến ống Sông Đà số 2 chưa thể hoàn thành trước mùa hè năm nay, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch VINACONEX (VIWASUPCO) cho biết, giải pháp vẫn là thống nhất với Ðiện lực Hòa Bình, ưu tiên cấp điện cho Nhà máy Nước Sông Đà; đồng thời bảo dưỡng máy móc thiết bị, bảo đảm vận hành hiệu quả khi nhu cầu sử dụng nước tăng. "Một phần việc quan trọng nữa là tổ chức tuần tra tuyến ống, phát hiện, xử lý kịp thời sự cố. Hiện, VIWASUPCO đã bổ sung thêm nhân lực, thiết bị, có kế hoạch phối hợp với các công ty thành viên của Tổng công ty Vinaconex, bảo đảm có thể xử lý đồng thời sự cố tại 3 điểm" - ông Tốn nói.

Kim Nhuệ - Nguyễn Mai - Thanh Hải