Bài 1: Nền tảng xây dựng thế hệ tương lai
Giáo dục - Ngày đăng : 06:19, 05/04/2016
Bài 1: Nền tảng xây dựng thế hệ tương lai
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...; phấn đấu có 65-70% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Mục tiêu ấy đã và đang được cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học ở các nhà trường của Thủ đô.
Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nền tảng |
Đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất
Đánh giá việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 về lĩnh vực giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: Ngành GD-ĐT đã quán triệt, triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Đảng và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật là việc hoàn thành chỉ tiêu có 50-55% số trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập đạt chuẩn quốc gia. Hà Nội hiện có hơn 1.100 trường được công nhận đạt chuẩn trong tổng số hơn 2.000 trường học. Tỷ lệ này cao nhất trong cả nước và góp phần không nhỏ vào những thành quả của giáo dục Thủ đô; đồng thời góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.
Có thể thấy rõ diện mạo và chất lượng giáo dục ở các nhà trường của Thủ đô sau chặng đường 5 năm tập trung cho việc xây dựng trường chuẩn. Việc xây dựng nhà trường theo hướng đồng bộ, hiện đại, đạt chuẩn đã trở thành nguyện vọng cấp thiết của chính mỗi nhà trường, bởi hội đủ 5 tiêu chí trường chuẩn quốc gia là những điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nên "thương hiệu" của mình.
Đó là cơ sở để giáo dục Thủ đô đặt niềm tin vào chặng đường mới, với chỉ tiêu đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI: Nâng tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia lên mức 65-70% trong giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu ấy, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải có những giải pháp mới. Bởi, những đơn vị "cận chuẩn", những nơi có nhiều thuận lợi để có thể đầu tư theo tiêu chí trường chuẩn đã hoàn thành, những nơi còn lại đều thuộc diện "khó nhằn". Để giải bài toán đã trở thành điệp khúc mỗi khi nhắc đến những khó khăn trong quá trình xây dựng trường chuẩn là: "Nội thành thiếu đất, ngoại thành thiếu kinh phí", thành phố đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên cho giáo dục nói chung, cho việc xây dựng trường chuẩn nói riêng. Hơn 2.600 tỷ đồng đã được đầu tư vào việc kiên cố hóa trường, lớp học; kinh phí mua sắm thiết bị dạy học là hơn 700 tỷ đồng... Việc bổ sung quỹ đất để xây dựng trường học cho các quận nội thành có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia thấp và định mức học sinh trên lớp cao; hỗ trợ kinh phí xóa 2.200 phòng học tạm, phòng học bán kiên cố xuống cấp; ưu tiên kinh phí xây dựng trường chuẩn cho cấp học mầm non... là những chính sách đang được tích cực triển khai.
Đơn cử Long Biên là một trong hai đơn vị dẫn đầu thành phố với mức trên 80% số trường đạt chuẩn quốc gia. Trưởng phòng GD-ĐT quận Long Biên Lưu Thị Bích Hằng cho biết: Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đã tạo ra môi trường dạy và học tốt nhất cho học sinh, tạo cơ hội để các em được tiếp cận các phương pháp giáo dục tiên tiến. Kết quả thực tế của việc xây dựng, phát huy hiệu quả của trường chuẩn quốc gia là minh chứng cho thấy, đây là yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó, học sinh được chú trọng nhiều hơn tới việc rèn kỹ năng thực hành, thói quen tự học, tự nghiên cứu...
Phát triển đội ngũ giáo viên
Để tạo dựng chất lượng giáo dục bền vững, bên cạnh yếu tố cơ sở vật chất không thể thiếu yếu tố con người. Trong bất kỳ giai đoạn nào, công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục luôn được Hà Nội đặt là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu. Tính đến năm học 2015-2016, gần 130.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có hơn 90.000 giáo viên các cấp học của Hà Nội đều đã có trình độ đào tạo đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tình trạng "xôi đỗ" về chất lượng giáo viên giữa các vùng miền, nhất là giữa các trường khu vực nội và ngoại thành sau mỗi năm giảm dần. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn ở các cấp học đều tăng, trong đó cấp tiểu học hiện có tới hơn 90% giáo viên đạt trình độ đào tạo trên chuẩn.
Đề cập đến vai trò của đội ngũ nhà giáo, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Chất lượng đội ngũ nhà giáo là yếu tố gốc, tác động trực tiếp và toàn diện đến chất lượng, hiệu quả giáo dục. Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã xác định, việc phát triển đội ngũ nhà giáo vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ của toàn ngành, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh hội nhập. Để "xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu hàng đầu của cả nước về giáo dục, đào tạo" như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, việc quan tâm, đầu tư cho đội ngũ nhà giáo tiếp tục được đặt là nhiệm vụ trọng tâm từ mỗi cơ sở giáo dục. Trong đó, yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới, đòi hỏi mỗi nhà giáo không chỉ chuẩn về trình độ đào tạo, mà còn phải hoàn thiện về nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, phong cách đẹp, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.
Cùng với việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giải pháp cốt lõi được Hà Nội tiếp tục triển khai là đánh giá giáo viên nghiêm túc, làm căn cứ để đào tạo, đào tạo lại hoặc sắp xếp, luân chuyển, thực hiện chế độ chính sách phù hợp. Quan điểm quán triệt tới từng đơn vị, nhà trường là nghiêm túc thực hiện cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác và kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Điểm mới trong đánh giá giáo viên của Hà Nội là dựa vào sự chuyển biến, tiến bộ của học sinh, chứ không đơn thuần là chỉ căn cứ vào sự tích cực của giáo viên trong triển khai bài dạy. Cách thức này đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo nỗ lực hơn để tiếp cận hiệu quả đến mọi học sinh trong lớp, tạo thêm mối gắn kết giữa cô và trò.
Thực tiễn cho thấy, sự quan tâm đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên là hai yếu tố không thể thiếu, tạo môi trường, nền tảng bền vững trong việc rèn đức, luyện tài cho thế hệ tương lai của Thủ đô. Đây cũng là hành trang cần thiết để ngành giáo dục Hà Nội tự tin đảm nhận trọng trách trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT giai đoạn mới, xứng đáng vị thế "đầu tàu" của cả nước.