Bản sắc người Hà Nội, niềm tự hào quốc gia

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:14, 05/04/2016

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố (nhiệm kỳ 2015-2020), Hà Nội đang triển khai mạnh mẽ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình số 29-CTr/TU ngày 10-10-2014 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"; tiếp tục thực hiện Chương trình 04/Ctr-TU ngày 18-10-2011 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.



Cụ thể là xây dựng người Hà Nội phát triển toàn diện, chú trọng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng động, sáng tạo, tuân thủ pháp luật, có ý thức cộng đồng và trách nhiệm công dân cao; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tăng cường thực hiện văn minh trong ăn, ở, đi lại, trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…

Bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, trong tư duy và nhận thức của một số người cùng một số đơn vị, địa phương không phải không có suy nghĩ nghiêng nặng về chú trọng phát triển kinh tế. Trong thực tế, kinh tế và văn hóa tác động qua lại lẫn nhau nhằm thúc đẩy xã hội phát triển. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là yếu tố nội sinh, động lực của phát triển và cũng là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh" mà Đảng ta đề ra là sự kết hợp các nhân tố kinh tế - xã hội và văn hóa trong quá trình phát triển. Về vấn đề này, phát biểu tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Hà Nội ngàn năm văn hiến là bộ mặt, là niềm tự hào của quốc gia. Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, tôn trọng pháp luật. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế, chúng ta càng phải đặc biệt chú trọng vấn đề này. Đây là bản chất của chế độ ta, bản sắc của người Hà Nội".

Vậy phải làm gì để xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước trong thời kỳ mới? Thực tế thời gian qua, các địa phương, đơn vị đã có những cách làm sáng tạo, hướng tới những tiêu chí riêng để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Liên đoàn Lao động thành phố xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức theo tiêu chí "tiên tiến - sáng tạo - đoàn kết - kỷ cương - gìn giữ môi trường - thanh lịch - nhân ái". Hội Nông dân Hà Nội vận động hội viên thực hiện "tích cực nâng cao trình độ, năng động trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, đoàn kết cộng đồng và tuân thủ pháp luật". Đoàn Thanh niên thành phố phát động và triển khai mạnh mẽ phong trào hành động "Tuổi trẻ Thủ đô sức khỏe, trí tuệ, đoàn kết, sáng tạo, thanh lịch, tình nguyện"; Hội Liên hiệp Phụ nữ tuyên truyền vận động chị em rèn luyện, phấn đấu đạt các chuẩn mực "Trung hậu, sáng tạo, đảm đang, thanh lịch", xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, định hình lối sống, nếp sống ứng xử văn hóa, thanh lịch phù hợp với truyền thống…

Phát biểu tại một hội thảo về vấn đề này, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội cho rằng, để xây dựng một chuẩn mực cụ thể là rất khó, nhưng hãy làm, không thể ngồi nhìn và… "phán" như kẻ ngoài cuộc. Nói cách khác, xây dựng con người không phải là việc của người khác, không phải là việc "dội" từ tổ chức hay cơ quan, mà phải là của chính mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, tổ chức cụ thể. Không chờ có công bố hệ giá trị rồi mới tu dưỡng, rèn luyện để là người tốt, người tử tế… mà mỗi thành viên trong cộng đồng cần điều chỉnh theo một cách tự nguyện, theo những chuẩn mực phù hợp nhưng vẫn giữ nguyên giá trị cơ bản.

Thái Sơn