Chất lượng khám, chữa bệnh chưa tăng theo giá?
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:14, 04/04/2016
Tiếp nhận hồ sơ khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Như Ý |
Bệnh viện vất vả, người bệnh chưa hài lòng
Từ ngày 1-3-2016, các BV chính thức áp dụng Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC (gọi tắt là Thông tư 37) của liên Bộ Y tế - Tài chính, theo đó, tăng khoảng 30% giá đối với 1.887 loại dịch vụ y tế. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số đơn vị y tế trên địa bàn TP Hà Nội sau hơn 1 tháng áp dụng việc điều chỉnh này, nhiều người dân chưa biết cụ thể mức tăng, danh mục các loại kỹ thuật, thuốc được BHYT chi trả. Vì vậy, nhiều người tỏ ra băn khoăn với giá viện phí mới được áp dụng.
Một người dân ở Điện Biên Phủ (Hà Nội) đi khám sức khỏe định kỳ tại BV Đa khoa Xanh Pôn, cho rằng, khi áp dụng Thông tư 37, Bộ Y tế khẳng định việc điều chỉnh giá sẽ có tác động tích cực đối với người dân. Thế nhưng, ngay cả khi có thẻ BHYT thì với khoản viện phí 3 triệu đồng, người dân phải đóng 2,5 triệu đồng - chỉ được giảm trừ 500 nghìn đồng. Câu hỏi mà bệnh nhân này đặt ra là: Đâu là những khoản phí nằm ngoài danh mục BHYT, đâu là phần mà người bệnh phải đồng chi trả…(?)
Bà Nguyễn Thị Quế (61 tuổi, ở đường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) mới đưa chồng đi khám lao. Bà chia sẻ, khi giá viện phí tăng thì chất lượng khám, chữa bệnh cũng phải được nâng lên. Hiện nay, khâu tiếp đón ở các BV đã tốt hơn trước, nhưng cần phải được thực hiện tốt hơn nữa. Đặc biệt, ngành y tế phải tiếp tục thay đổi quy trình khám chữa bệnh để giảm bớt phiền hà cho người bệnh và người nhà bệnh nhân. Có như vậy thì người dân mới yên tâm và không thắc mắc khi viện phí tăng.
Sau khi áp dụng viện phí mới đối với người có thẻ BHYT, một số BV đang gặp khó khăn. Thứ nhất, có BV không thể công khai giá bằng bảng biểu vì số lượng dịch vụ y tế quá nhiều; thay vào đó, họ chỉ có thể niêm yết... trên một cuốn sổ để ở phòng khám. Nhưng, ngay cả với BV đã niêm yết công khai bảng giá các loại dịch vụ y tế thì người dân cũng không dễ theo dõi mức giá cho mỗi loại dịch vụ khám chữa bệnh, kỹ thuật, thủ thuật… bởi chữ và số quá bé, lại có nhiều thuật ngữ.
Thứ hai, do có hai mức giá khác nhau (giữa bệnh nhân có thẻ BHYT và bệnh nhân không có thẻ) nên BV cũng gặp không ít khó khăn trong việc áp dụng mức giá cụ thể cho từng trường hợp. Theo TS Phạm Minh Hưng, Trưởng khoa Dược (BV Đa khoa Xanh Pôn), trước đây, người có thẻ và không có thẻ BHYT cùng được áp một mức giá. Sau khi áp dụng Thông tư 37, việc thanh toán viện phí phức tạp hơn. Để tránh sự nhầm lẫn, BV phải dò chi tiết từng khoản chi phí dịch vụ đối với bệnh nhân. Với cách thanh toán này, không chỉ BV vất vả hơn mà người bệnh cũng mất thời gian. Thêm vào đó, việc Bộ Y tế ban hành danh mục dịch vụ kỹ thuật chưa hoàn chỉnh cũng khiến việc thanh toán gặp khó khăn.
Tăng cường kiểm tra việc thực hiện giá dịch vụ BHYT
Đề cập đến việc triển khai Thông tư 37, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Phạm Lương Sơn cho biết, đến ngày 21-3, BHYT đã tiến hành rà soát 11.002 dịch vụ thuộc 28 chuyên khoa, thống nhất xếp loại 5.650 dịch vụ tương đương về kỹ thuật và chi phí. Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành quy định cho 1.389 dịch vụ (thuộc 6 chuyên ngành) được xếp tương đương về kỹ thuật, chi phí và đang tiếp tục hoàn thiện để ban hành danh mục dịch vụ tương đương của 12 chuyên ngành tiếp theo (gần 2.500 dịch vụ, kỹ thuật). Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ đưa vào áp dụng phần mềm giám định điện tử để giám sát chi phí khám chữa bệnh, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Tài chính để tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế.
Sau hơn 1 tháng triển khai Thông tư 37, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký ban hành chỉ thị về việc tăng cường bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Người đứng đầu ngành Y tế yêu cầu giám đốc các BV, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường tổ chức thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh, liên tục cải tiến quy trình khám bệnh, thực hiện nghiêm túc việc công khai giá dịch vụ y tế...
Mặt khác, các cơ sở y tế cần nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị nội trú, hạn chế tối đa tình trạng nằm ghép, tuyệt đối không để người bệnh nằm ghép quá 48 giờ kể từ khi nhập viện. Cùng với đó, các BV được yêu cầu kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thuốc và Điều trị; tăng cường kiểm tra việc kê đơn, bình bệnh án, tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh; phòng ngừa và giảm các tai biến, sai sót chuyên môn... Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu không thu tiền tạm ứng đối với người bệnh BHYT khi khám bệnh, không thu thêm các chi phí đã kết cấu trong giá của dịch vụ…
Theo Ths Vũ Văn Thạch, Trưởng khoa Khám bệnh (BV Ung bướu Hà Nội), đến nay, dù đã hết quý I nhưng BHYT chưa hoàn thành đấu thầu thuốc của năm 2016 nên phải sử dụng thuốc đấu thầu từ năm 2015 nên không đủ số lượng. Có những loại thuốc đã hết và phải chờ đến tháng 6 tới, khi đấu thầu xong thuốc của năm 2016 thì mới có. Do đó, có những loại thuốc nằm trong danh mục BHYT nhưng vì đấu thầu chưa được nên người bệnh phải tự mua thuốc ở bên ngoài và chịu thiệt. |