Bài 1: Nghịch lý cấp nước nông thôn

Đời sống - Ngày đăng : 06:12, 04/04/2016

LTS: Mỗi năm giếng khai thác nước ngầm suy giảm từ 4% đến 6%; nguồn nước Sông Đà chỉ đạt bình quân từ 36.000m3/ngày đêm và liên tiếp xảy ra sự cố; không ít trạm cấp nước sạch ở ngoại thành vận hành kém hiệu quả, thậm chí để

Bài 1: Nghịch lý cấp nước nông thôn

Trong khi 42% người dân sinh sống tại các khu vực nông thôn ở nhiều địa phương đã được sử dụng nước sạch thì tại Hà Nội, con số này là gần 35,5%. Có thể liệt kê hàng loạt nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch tại nhiều miền quê. Và một thực tế không thể chấp nhận là có nhiều trạm cấp nước sạch ở ngoại thành đã được đầu tư tiền tỷ nhưng quản lý, vận hành kém hiệu quả, thậm chí "đắp chiếu".

Người dân nội thành xếp hàng lấy nước từ xe stec do sự cố hệ thống cấp nước. Ảnh: Mai Anh


Những ngày này, đến xã Trường Yên (Chương Mỹ) dễ dàng gặp cảnh người dân kéo xe cải tiến chở thùng đi mua nước. Ông Đỗ Xuân Hùng, thôn Yên Trường cho biết: Năm nào cũng vậy, từ tháng một cho đến tháng tư, gia đình thường phải đi mua nước sạch. Nhà có 7 người, sử dụng tiết kiệm thì mỗi tháng gia đình cũng mất ít nhất là 1,2 triệu đồng.

Tuy không phải xếp hàng mua nước sạch nhưng hàng chục nghìn người dân các xã: Đông Lỗ (Ứng Hòa), Văn Hoàng (Phú Xuyên), Thư Phú (Thường Tín)… lại phải sử dụng nguồn nước không bảo đảm chất lượng bởi ảnh hưởng từ vấn nạn ô nhiễm Sông Nhuệ. Theo khảo sát của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội, nguồn nước ngầm ở khu vực này có hàm lượng asen cao gấp 5-7 lần tiêu chuẩn cho phép. Còn theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 10 làng có nguồn nước xếp hạng ô nhiễm cao nhất, Hà Nội có 2 làng là Lũng Vị (xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ) và Thống Nhất (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa); kết quả điều tra ngẫu nhiên cũng chỉ ra đây là những địa phương có nhiều người chết vì bệnh ung thư. Câu chuyện thiếu nước sạch và chất lượng nguồn nước đã từ lâu trở thành mối quan ngại của hàng vạn hộ dân ở ngoại thành...

Trong khi người dân nhiều địa phương "khát" nước sạch, thậm chí nước bơm từ các giếng khoan cũng không đủ cho nhu cầu sử dụng thì có một thực tế bức xúc là nhiều trạm cấp nước được đầu tư tiền tỷ không phát huy hiệu quả. Thậm chí, một số công trình "đắp chiếu", bị bỏ hoang. Sống ngay cạnh trạm cấp nước có tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng nhưng gia đình bà Lê Thị Toan cũng như nhiều hộ dân ở thị trấn Đại Nghĩa (Mỹ Đức) vẫn phải xây bể chứa nước mưa để nấu nướng và bể chứa nước giếng khoan để sinh hoạt hằng ngày. Bà Toan cho biết: Bây giờ không khí cũng bị ô nhiễm nên gia đình rất lo ngại về chất lượng nước mưa. Tuy nhiên, không có nguồn nước thay thế nên đành phải… nhắm mắt. Được biết, Trạm Cấp nước thị trấn Đại Nghĩa được xây dựng từ năm 2009 nhưng vì khó khăn về nguồn vốn nên hoàn thành giai đoạn 1 thì không có kinh phí đầu tư cho giai đoạn 2. Thực hiện chủ trương xã hội hóa của thành phố, năm 2013, trạm được giao cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân tiếp tục đầu tư. Đến nay, doanh nghiệp này đã cơ bản hoàn thành công trình. Tuy nhiên, khi kiểm tra nguồn nước đầu vào lấy từ Sông Đáy thì chất lượng không bảo đảm nên công ty đang đề nghị khai thác nước ngầm để phục vụ dự án. Như vậy, rõ ràng là, khi khảo sát, điều tra xây dựng dự án, các cơ quan chức năng đã không tính đếm đến vấn đề này nên dự án kéo dài, chậm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Tương tự, Trạm Cấp nước thôn Bảo Lộc, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ được triển khai xây dựng năm 2009 và hoàn thành vào năm 2011 với số vốn đầu tư 8,9 tỷ đồng, công suất thiết kế 1.000m3/ngày đêm. Công trình đã hoàn thành và bàn giao cho địa phương quản lý nhưng đã 5 năm trôi qua, trạm cấp nước vẫn không thể vận hành.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, trong 110 trạm cấp nước nông thôn được đầu tư xây dựng thì có 83 trạm hoạt động ổn định nhưng chỉ đạt 75% công suất thiết kế. Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội Đỗ Quý Hùng cho biết: Tỷ lệ thất thoát nước của các trạm cấp nước tập trung ở nông thôn khá cao, thấp nhất là 10% và cao nhất là 70%, tỷ lệ nước sạch thất thoát trung bình khoảng 30%. Nguyên nhân là phần lớn công trình đều xây dựng từ lâu, hệ thống đường ống không được đầu tư cải tạo, nâng cấp nên nhiều chỗ bị xuống cấp, bục vỡ...

Theo Quyết định số 2863/QĐ-UBND ngày 11-6-2009 của UBND TP Hà Nội, mục tiêu của chương trình đến hết năm 2015, 100% dân số nông thôn sẽ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó phấn đấu 60% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, đến hết năm 2015, khu vực nông thôn Hà Nội mới có khoảng 1,379 triệu người được sử dụng nước sạch, đạt tỷ lệ gần 35,5%, tức là còn khoảng 2,5 triệu người chưa được sử dụng nước đạt tiêu chuẩn.

Kim Nhuệ - Nguyễn Mai - Thanh Hải