Nâng cao hiệu quả đầu tư
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 04/04/2016
Câu chuyện thiếu nước sạch ở Hà Nội không phải mới nhưng vì sao vẫn là vấn đề "nóng"? Chủ trương đã có, nhiều giải pháp đã được thành phố triển khai nhưng việc thực hiện có không ít vấn đề. Đơn cử, chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội giai đoạn 2009-2020 (được thành phố phê duyệt từ năm 2009) đặt ra mục tiêu đến hết năm 2015, 100% dân số nông thôn sẽ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó phấn đấu 60% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, nhưng đến hết năm 2015, khu vực nông thôn Hà Nội mới có khoảng 1,379 triệu người được sử dụng nước sạch, còn khoảng 2,5 triệu người chưa được sử dụng nước đạt tiêu chuẩn.
Vì sao như vậy?
Thành phố đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư và quản lý, khai thác các công trình cấp nước sạch trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2014-2020 nhưng đến nay rất ít doanh nghiệp hoàn thành được thủ tục để nhận hỗ trợ. Trong khi đó, kinh phí đầu tư thấp và ít, việc đầu tư cũng không đồng bộ, nhiều công trình dở dang. Nguồn đầu tư lại theo nhiều phương thức khác nhau dẫn đến khó kiểm soát, khó quản lý. Cùng với đó là những khó khăn trong kêu gọi xã hội hóa để xây dựng các trạm cấp nước khi yêu cầu cơ sở và người dân phải đóng góp kinh phí đối ứng. Và một bất cập không thể không nói là sự kết nối thiếu đồng bộ trong hệ thống cấp nước sạch của một làng, một huyện với hệ thống cấp nước chung của thành phố...
Năm 2016, mục tiêu của chương trình hành động của thành phố đặt ra là 100% dân số thành thị được sử dụng nước sạch; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 38% được sử dụng nước sạch. Để đạt được mục tiêu này, cần phải có giải pháp mới nhằm bảo đảm thống nhất trong phương thức quản lý; đổi mới, đa dạng hóa mô hình cấp nước... Bên cạnh đó, các sở, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các công ty cấp nước phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương đề xuất, xây dựng và ban hành các cơ chế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển hệ thống cấp nước tập trung ở một số yếu tố chính, như: Quỹ đất thực thi các dự án; nguồn lực đầu tư; cơ chế giá nước sạch...
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng nước sạch, các cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế quản lý hệ thống cấp nước trên cơ sở phân vùng phục vụ cấp nước, thống nhất cơ chế phối hợp, liên kết để bảo đảm dịch vụ cấp nước, chất lượng nguồn nước và an toàn cấp nước. Các chương trình mục tiêu cấp nước sạch cho nông thôn hay đô thị tới đây cần phải giải quyết cho được mục tiêu hiệu quả bền vững thông qua hiệu quả đầu tư của mỗi dự án. Đồng thời, hết sức chú ý tới việc "đón đầu" phát triển - khi làng, xã đô thị hóa thành phường, phố - thì hệ thống cấp nước đã có hoàn toàn có thể kết nối đồng bộ ngay với hệ thống chung của thành phố. Nói cách khác, việc nghiên cứu thay đổi mô hình quản lý, đầu tư trong cấp nước sạch cũng chính là một "thước đo" về hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực này.