Nghĩ từ “mùa sách”

Sách - Ngày đăng : 06:48, 03/04/2016

(HNM) - Đã thành lệ nhiều năm nay, Hà Nội mỗi độ tháng 3 về, tháng 4 sang có thêm một mùa là “mùa sách”.

Sau khi kết thúc Hội sách Mùa xuân ngày 3-4, giới làm nghề lại chuẩn bị cho Ngày sách Việt Nam lần thứ 3 diễn ra ngày 21-4 tới. Chưa kể trước đó là hàng loạt sự kiện như Hội chợ sách cũ của các nhà sưu tập, nhà sách ở Hà Nội; các hội sách của mỗi đơn vị truyền thông văn hóa… Một không khí cổ vũ văn hóa đọc ngày càng hình thành rõ nét, nhưng quan trọng hơn là từ đây bắt đầu lan tỏa các hoạt động và phản hồi mang tính xã hội vượt ra ngoài câu chuyện xuất bản.

Bạn đọc tại Hội sách Mùa xuân.


Những "viên gạch" bền vững

Ngày thứ hai của Hội sách Mùa xuân tại Bảo tàng Phụ nữ (36 Lý Thường Kiệt), đã 12h trưa nhưng bàn thanh toán vẫn chưa hết việc. Người xem, trong đó một lượng lớn là giới trẻ, sinh viên vẫn đang mải mê chọn lựa. So với những hội sách quy mô lớn như Hội sách TP Hồ Chí Minh, Hội sách Hà Nội… thì khó, nhưng đã thành lệ, sân chơi sách theo mùa do 3 NXB Trẻ, Phụ nữ, Kim Đồng phối hợp tổ chức cũng thu hút một lượng độc giả không nhỏ của Thủ đô.

Điều đáng nói là Hội sách Mùa xuân, Hội sách Mùa thu tại đây không chỉ có chuyện tiêu thụ sách tồn hay mua sách giảm giá tỷ lệ cao mà ngày càng trở thành địa chỉ tin cậy để công bố các đầu sách mới. Đơn cử năm nay, NXB Trẻ tung ra hàng loạt tác phẩm của những tác giả ít nhiều có thương hiệu như Cao Duy Sơn, Đỗ Phấn, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Tiến, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Xuân Thủy. NXB Phụ nữ mang đến cho độc giả loạt tác phẩm mới nhiều thể loại cả thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết; cả văn học trong nước, văn học dịch. Và "nhà" Kim Đồng dù quanh năm có sách mới nhưng dịp này cũng giới thiệu hai bộ sách công phu.

Chưa kể, các sự kiện ra mắt sách còn xuất hiện khá dày, tạo được hiệu ứng độc giả như ra mắt tiểu thuyết về nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em của Nguyễn Xuân Thủy; giới thiệu bộ sách sinh động về địa lý Việt Nam "Thiên nhiên đất nước ta" của nhóm tác giả Nguyễn Như Mai, Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Quốc Tín…

Cũng với hiệu ứng hội sách mà nhiều cuộc ra mắt tác phẩm tại nhiều địa điểm khác đồng loạt diễn ra, "làm khó" cho độc giả khi phải chọn lựa. Như giao lưu về tập thơ "Ở thế gian" của Đỗ Trọng Khơi ở Đại học Văn hóa Hà Nội; trò chuyện về tiểu thuyết "À bientôt-Hẹn gặp lại" của nhà văn Hiệu Constant tại một không gian văn hóa ở Nguyễn Chí Thanh.

Các sự kiện này gửi đến độc giả một thông điệp quan trọng của các đơn vị làm sách là tạo ra một không khí yêu sách, trọng nhà văn, quý những phút giây bên trang sách của người đọc. Chính điều đó sẽ góp phần đặt những "viên gạch" bền vững nhất cho văn hóa đọc cũng như sự phát triển lâu dài nhất của người viết sách, làm sách ở ta.

Lan tỏa văn hóa đọc

Mùa sách tháng 3, tháng 4 năm nay được gắn nhiều với cụm từ "tử tế”. Bạn đọc có thể tham gia tọa đàm "Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế" diễn ra sáng nay 3-4, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, với câu chuyện về triết lý kinh doanh của người Nhật. Trước đó, trên các diễn đàn mạng xã hội, nhân cuốn sách này bạn đọc bàn nhiều hơn về tinh thần tự lực tự cường, tính kỷ luật và những phẩm chất tốt đẹp khác của con người xứ sở "Mặt trời mọc" mà ta có thể học hỏi.

Trước đó, tối 2-4 tại Hà Nội còn có cuộc tọa đàm khác mang tên "Cuốn sách tử tế" do CLB Yêu sách Thái Hà tổ chức. Trong đó, bạn đọc - mỗi người đều có một câu trả lời riêng cho câu hỏi "Bạn nghĩ gì về sự tử tế?" và "Cảm nhận của bạn về một cuốn sách tử tế bạn đã từng đọc và cuốn sách ấy đã thay đổi bạn như thế nào?". Như thế nghĩa là sách phần nào đã bước vào đời sống, khiến người đọc tự vấn về những điều nhỏ bé liên quan đến mỗi người.

Không ngạc nhiên khi những năm gần đây, gắn liền với sách là hàng loạt mô hình, hoạt động vì cộng đồng hết sức thiết thực để cổ vũ cho xã hội học tập, cho văn hóa đọc, cho những điều tốt đẹp, tử tế trong cuộc sống. Có thể kể đến mô hình Sách hóa nông thôn, CLB Sách và hành động, Hội sách phi lợi nhuận đồng giá; chương trình Chia sẻ sách hay - lan tỏa điều tốt đẹp...

Từ hoạt động phong phú trong mùa sách, thiết nghĩ điều tử tế cần được hiện thực hóa dưới trách nhiệm bổn phận từng cá thể, tổ chức. Các đơn vị làm sách tử tế bằng việc tuân thủ bản quyền, in ấn bảo đảm chất lượng đạt tới tiêu chuẩn sách quốc tế; công chúng làm người đọc tử tế bằng cách từ chối mua sách lậu như một cách bảo vệ sách thật. Còn nhớ có lãnh đạo một NXB từng nói: "Chúng tôi cố gắng làm sách một cách tử tế". Nghe đơn giản, nhưng ngẫm ra thì bao hàm biết bao việc, trong đó có chuyện bảo đảm quyền tác giả, thẳng thắn xin lỗi độc giả và nhận đổi tác phẩm khi sách in sai, tri ân bằng nhiều hình thức với các nhà văn cống hiến thường xuyên cho NXB…

Văn hóa đọc đã và đang gây dựng được những nền tảng vững chắc, từng bước lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Đồng thời, một không khí cổ vũ văn hóa đọc ngày càng định hình rõ nét. Đây chính là những tác động quan trọng đối với việc chấn hưng dân trí, mang lại những nguồn lực quan trong cho công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.

Thi Thi