Chia sẻ với trẻ tự kỷ

Xã hội - Ngày đăng : 06:45, 03/04/2016

(HNM) - Tối 2-4, tại phòng hòa nhạc lớn, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nghệ sĩ viola đẳng cấp quốc tế Nguyễn Nguyệt Thu đã phô diễn những kỹ thuật tuyệt vời của mình trong chương trình

Nghệ sĩ Nguyễn Nguyệt Thu.


26 năm biểu diễn ở khắp các sân khấu thế giới, từ Nga, Tây Ban Nha, Hà Lan, Thụy Điển đến Singapore, tham gia nhiều nhóm nhạc đa quốc tịch, là bè trưởng, nghệ sĩ solo cho nhiều dàn nhạc, nghệ sĩ viola Nguyễn Nguyệt Thu đã chọn trở về nước, tiếp tục cống hiến trong âm nhạc theo một cách khác biệt. Năm ngoái, chị thành lập nhóm tứ tấu Apaixonado cùng những nghệ sĩ đàn dây đẳng cấp là Trịnh Minh Hiền (violon), Trần Lan Hương (violon), Hà Miên (cello) với các buổi trình diễn làm thay đổi suy nghĩ của nhiều khán giả về âm nhạc hàn lâm, nhờ phong cách cởi mở, quyến rũ mà không kém phần chuẩn mực để chuyển tải sức hút của âm nhạc. Cũng chờ lắm một đêm nhạc của riêng Nguyệt Thu, như chị đã ấp ủ, rằng sẽ "báo cáo" sau thời gian dài ở nước ngoài. Thế mà bất ngờ chị lại ngoặt sang một hướng khác, cũng với âm nhạc nhưng không phải đơn thuần là biểu diễn hay giảng dạy, mà là dùng âm nhạc để giúp đỡ, phát huy, giáo dục cho trẻ tự kỷ trở thành người có ích cho xã hội.

Cũng là xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, khi nghệ sĩ nổi tiếng này phát hiện con mình mắc chứng tự kỷ. Thế là, ngoài mục đích trở về để thỏa ước nguyện của cha - NGƯT Nguyễn Văn Thưởng (người khai sinh bộ môn viola cho Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), phát triển ngành viola tại nước nhà, Nguyệt Thu lao vào tìm hiểu mọi phương pháp để giúp con mình phát triển bình thường nhờ âm nhạc. Những nỗ lực dần có hiệu quả, chị lại muốn chia sẻ và giúp đỡ những đứa trẻ và gia đình khác có hoàn cảnh tương tự. Với Nguyệt Thu: "Trẻ tự kỷ là những con người đặc biệt, cần được quan tâm, giáo dục bằng tình yêu và sự kiên nhẫn, để cho chúng phát huy tốt nhất khả năng của mình. Qua thời gian tôi thấy nhiều trẻ tự kỷ có năng khiếu nghệ thuật, chỉ là cách thể hiện hơi khó khăn". Chị quyết định mở trường dành cho trẻ tự kỷ Sfora (Sunrise for Arts, trực thuộc Viện Khoa học và Giáo dục Đông Nam Á), tuyển lựa giáo viên có cùng tâm huyết. Bản thân Nguyệt Thu nghiên cứu và sử dụng âm nhạc trực tiếp dẫn dắt các em nhỏ tìm thấy niềm vui, hạnh phúc, đích đến trong cuộc sống. "Âm nhạc tôi dạy và dùng trị liệu cho các em tự kỷ không khác biệt so với dạy cho người bình thường, nhưng cần ở mình sự tinh tế, thấu hiểu để nhận ra ngưỡng của các em mà điều chỉnh dần", nghệ sĩ Nguyệt Thu chia sẻ.

Trong buổi biểu diễn đúng vào ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ, nghệ sĩ Nguyệt Thu cho biết: "Về mặt chuyên môn, đây là chương trình tôi dồn nhiều tâm huyết, thể hiện được hết những kỹ năng đã học tập và rèn luyện ở nước ngoài. Chương trình cũng là cơ hội để kết nối những tấm lòng muốn giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Vừa được thưởng thức âm nhạc đỉnh cao, vừa là cách làm từ thiện, nhiều người rất sẵn sàng mở lòng". Nguyệt Thu đã chơi solo thật tuyệt vời bản "Concerto cho viola" của Bach, bản "Romace cho viola" của Max Bruch cùng phần đệm của Dàn nhạc Trẻ Hà Nội do GS.TS Ngô Văn Thành chỉ huy. Khán giả thấy một Nguyệt Thu trưởng thành, hấp dẫn, đầy nội lực, cũng hiểu phần nào về viola - bộ môn còn ít người theo đuổi ở Việt Nam và vị trí của nó trong âm nhạc. Chị cùng nhóm Apaixonado cũng đã đem đến các tác phẩm quen thuộc như "You raise me up", "Surprise", "Viva la Vida"… nhưng được phối lại ở trình độ cao hơn, đem lại nhiều ngạc nhiên thú vị cho khán giả.

Đây không phải chương trình đầu tiên nghệ sĩ Nguyệt Thu thực hiện để gây quỹ cho trẻ em tự kỷ, nhưng với chị, đây là một dấu mốc thể hiện sự kết nối hai công việc mà chị theo đuổi - biểu diễn âm nhạc đỉnh cao và giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. 

Thụy Du