Nếp sống mới ở Hạc Sơn

Xã hội - Ngày đăng : 06:35, 03/04/2016

(HNM) - Từ đê Sông Hồng nhìn xuống, thôn Hạc Sơn, xã Châu Sơn (Ba Vì) tựa bức tranh, thanh bình và trù phú, với những hàng cau cao vút, những ngôi nhà khang trang. Hạc Sơn còn là một điểm sáng của huyện Ba Vì trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.


Phó Chủ tịch UBND xã Châu Sơn Nguyễn Văn Tiến cho biết: Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đặc biệt coi trọng tiêu chí văn hóa. Vì vậy, xã chủ động chỉnh sửa các quy ước, hương ước của các thôn, xóm cho phù hợp với nội dung Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Đồng thời, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân thông qua hệ thống truyền thanh, các kỳ sinh hoạt của các đoàn thể như hội người cao tuổi, phụ nữ, đoàn thanh niên... Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định: Không ăn uống linh đình, kéo dài; không hút thuốc lá, tổ chức đánh bạc; không tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự; không tổ chức vui chơi, văn nghệ quá 22h đêm và trước 6h sáng; cán bộ, công chức không đi dự đám cưới trong giờ làm việc... Nhờ kiên trì tuyên truyền vận động, tập trung vào nhóm đối tượng trọng điểm… nên năm 2015, Hạc Sơn thực hiện rất tốt tiêu chí này và được công nhận là làng văn hóa.

Một góc làng Hạc Sơn.


Theo Trưởng thôn Nguyễn Xuân Trường, hiện nay, các đám cưới ở làng Hạc Sơn đều chỉ làm 40-50 mâm cỗ, không mời thuốc lá, chúc nhau uống rượu say xỉn; nghi lễ trước và sau cưới đều giản tiện, tiết kiệm, lành mạnh… Thực hiện phong trào cưới hỏi theo nếp sống mới, bà Nguyễn Thị Lộc cho biết: "Được các hội, đoàn thể của xã, thôn tuyên truyền vận động nên gia đình chỉ tổ chức hôn lễ cho con trong một ngày; không thuê quay phim, chụp ảnh; khách mời giới hạn là anh em nội tộc và bạn bè thân thiết…". Cũng theo bà Lộc, cưới theo nếp sống mới gia đình vừa bớt vất vả lại tiết kiệm…

Nói về việc tang, ông Nguyễn Khắc Tân, Trưởng hội lão làng Hạc Sơn cho biết, trước đây, ở địa phương tồn tại rất nhiều hủ tục nhưng hiện nay đã bị xóa bỏ. Khi có người qua đời, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã mời người thân ra làm giấy khai tử và thông báo tin buồn trên hệ thống đài truyền thanh; các cấp hội, đoàn thể trong thôn cử đại diện đến giúp gia quyến chủ trì lễ tang và hướng dẫn thực hiện theo nếp sống mới. Hiện nay, tất cả các đám tang trong thôn đều không đón thầy cúng, rắc vàng mã, để người chết quá 36 giờ trong nhà... Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, người dân Hạc Sơn đã bỏ việc ăn cỗ, uống rượu trong đám tang. Không chỉ vậy, Hạc Sơn đã tuyên truyền, vận động được nhiều gia đình đưa người quá cố đi hỏa táng...

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, những ngày đầu vận động cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi đây là những công việc hệ trọng của cả đời người, ai cũng muốn đám của nhà mình phải đàng hoàng, hơn người… Nắm được tâm lý đó, xã chọn các gia đình là cán bộ, đảng viên, có điều kiện kinh tế khá giả, có nhiều mối quan hệ thân thích để tuyên truyền. Thành công ở một vài đám đã giúp nhân dân hiểu ra và hiệu quả lan tỏa đã trở thành nếp nghĩ mới của người Hạc Sơn hôm nay.

"Các giá trị văn hóa sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu đường làng, ngõ xóm, trong dân cư không sạch sẽ, gọn gàng" - Trưởng thôn Hạc Sơn bày tỏ quan điểm. Vì vậy, từ năm 2009, Hạc Sơn đã thành lập tổ vệ sinh thu gom rác thải trong khu dân cư rồi vận chuyển đến nơi tập kết để xử lý. Nhân dân trong thôn tự nguyện nộp phí vệ sinh 3.000 đồng/người/tháng để trả công cho người thu gom. Chi hội Phụ nữ, Hội Nông dân… phát động và thực hiện phong trào "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "Sạch làng, tốt ruộng"… 93% gia đình ở Hạc Sơn có công trình vệ sinh tự hoại. Các hộ chăn nuôi lớn đều xây hầm biogas vừa bảo đảm môi trường, vừa tận dụng nhiên liệu làm chất đốt phục vụ sinh hoạt...

Kim Văn