Vì một thế giới an toàn hơn
Thế giới - Ngày đăng : 05:59, 03/04/2016
Đây là cam kết vừa được các nhà lãnh đạo từ hơn 50 quốc gia trên thế giới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ 4, tại Washington (Mỹ), đưa ra trong Tuyên bố chung sáng 2-4 (giờ Việt Nam).
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị lần thứ 4 khẳng định quyết tâm bảo đảm an ninh hạt nhân. |
Diễn ra vào thời điểm thế giới đứng trước nhiều thách thức an ninh do nguy cơ khủng bố bằng vũ khí hạt nhân, Hội nghị là diễn đàn để các nước trình bày tiến trình thực hiện cam kết từ Hội nghị Thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ 3 tổ chức tại La Haye (Hà Lan), tháng 3-2014. Với các chủ đề như: Mối đe dọa đối với an ninh hạt nhân; Hành động của các quốc gia nhằm tăng cường an ninh hạt nhân; Các biện pháp thể chế và hành động quốc tế về tăng cường an ninh hạt nhân…, Hội nghị là cơ hội thúc đẩy cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau để cùng đối phó với mối đe dọa từ nguy cơ khủng bố hạt nhân trên toàn cầu. Đây cũng là diễn đàn để các nhà lãnh đạo thế giới tái khẳng định các cam kết ở mức cao nhất về tăng cường an ninh hạt nhân, vật liệu phóng xạ và chống chủ nghĩa khủng bố hạt nhân.
Trước tham vọng sở hữu hạt nhân của các phần tử khủng bố, Hội nghị lần này đặt ra nhiệm vụ cấp bách đối với các nước tham dự trong đánh giá mức độ an ninh và bảo đảm an ninh hạt nhân tại mỗi nước. Trong đó, mối quan ngại từ nguy cơ khủng bố hạt nhân toàn cầu, nổi lên là mối hiểm họa từ việc các lực lượng thánh chiến, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, sở hữu bom bẩn phóng xạ. Dù IS khó có khả năng phát triển bom hạt nhân, song lực lượng khủng bố quốc tế này có thể chế tạo bom bẩn phóng xạ, loại vũ khí có thể gây ô nhiễm phóng xạ trên diện rộng, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và sức khỏe. Theo ước tính của Mỹ, hiện thế giới có khoảng 2.000 tấn khối nguyên liệu hạt nhân. Trong khi đó, để chế tạo một quả bom nguyên tử chỉ cần 25kg urani được làm giàu ở mức độ cao. Vì thế, tác động của một cuộc tấn công khủng bố hạt nhân sẽ mang tính toàn cầu chứ không riêng với quốc gia nào.
Bên cạnh các biện pháp tăng cường an ninh và kiểm soát các nguyên liệu phân hạch, gồm urani và plutoni được làm giàu ở cấp độ cao, Hội nghị năm nay còn thảo luận các sáng kiến nhằm tăng cường bảo đảm an toàn hạt nhân và các chất phóng xạ, cùng các kế hoạch hành động đối với các tổ chức quốc tế gồm Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Liên hợp quốc... Trên tinh thần đó, Tuyên bố chung kết thúc Hội nghị đã tái khẳng định cam kết ngăn chặn, không để các loại vũ khí hạt nhân rơi vào tay những phần tử cực đoan. Các nhà lãnh đạo thế giới cũng cam kết thúc đẩy môi trường quốc tế ổn định bằng cách giảm nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố hạt nhân và tăng cường an ninh hạt nhân. Đi kèm theo bản Tuyên bố chung là một phụ lục gồm 5 kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia tham dự hội nghị và các cơ quan quốc tế như IAEA và Interpol.
Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam phát biểu tại Hội nghị đã đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu đạt được trong 6 năm thực hiện tiến trình của Hội nghị. Nhấn mạnh nhận thức chung về an ninh hạt nhân được nâng cao, Phó Thủ tướng khẳng định, khủng bố hạt nhân và tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân tiếp tục là mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh; đồng thời ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền chính đáng của các quốc gia sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Trước thách thức đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các kế hoạch hành động của Hội nghị; kêu gọi cần đẩy mạnh phối hợp hành động và chia sẻ thông tin giữa các cơ chế quốc tế cũng như giữa các quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống khủng bố hạt nhân và tăng cường an ninh hạt nhân phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp của mỗi quốc gia.
Hội nghị Thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần đầu tiên được tổ chức tại Washington vào năm 2010 theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Quá trình tổ chức các hội nghị đến nay đã mang lại nhiều thành quả, với hàng trăm cam kết quốc gia được thực hiện trong các lĩnh vực như dỡ bỏ hoặc tiêu hủy nguyên liệu hạt nhân… Cùng với nhận thức chung sâu sắc về tầm quan trọng của bảo đảm an ninh hạt nhân, cuộc tập hợp nguyên thủ quốc gia vừa kết thúc tại Washington thể hiện một quyết tâm toàn cầu xây dựng một thế giới an toàn hơn cho mọi người dân trên thế giới.