Chuyện về loài chuối cô đơn
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:53, 03/04/2016
Sương sớm phủ trên Vườn quốc gia Xuân Sơn. |
Loài cây nhuốm màu huyền thoại
Một ngày giữa tháng ba, tôi có dịp ghé qua Bản Dù, bản trung tâm của xã Xuân Sơn và Vườn quốc gia Xuân Sơn. Đang đi giữa tiết trời xuân ấm áp và ngắm vẻ đẹp hoang sơ của những giăng giăng núi đá ẩn mờ trong sương trắng, những em bé dân tộc Dao xinh xắn, ngoan ngoãn luôn vẫy tay chào mỗi khi thấy khách dưới xuôi lên, tôi bỗng nghe Phương, cán bộ Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ tiết lộ, đã mất công đến Bản Dù, nhất định các anh chị phải ngắm loài chuối cô đơn và nghe truyền thuyết về nó. Tò mò, tôi bảo Phương kể thì cô gái mỉm cười nói: "Em không biết phải kể thế nào vì truyền thuyết này có nhiều dị bản. Hơn nữa, chị sẽ thấy thú vị hơn nếu được nghe trực tiếp từ những cụ già người dân tộc". Và thế là tôi đã đi khắp Bản Dù suốt buổi trưa, tìm vào rất nhiều gia đình, từ nhà bà Triệu Thị Lâm, dân tộc Dao, đến nhà thân mẫu đồng chí Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn để tìm hiểu cho rõ. Truyền thuyết đại để như sau: Ngày xưa, ở chốn rừng núi này có một đôi nam nữ chơi thân với nhau từ bé. Luôn ở bên nhau, tình yêu nảy sinh trong họ lúc nào không hay và ngày càng thắm thiết. Họ đã nguyện ước sẽ bên nhau tới đầu bạc răng long. Thế nhưng, khi sắp đến ngày cô gái về nhà chàng trai thì bố mẹ bắt cô phá vỡ lời thề vì họ phát hiện ra chàng trai bỗng dưng mắc căn bệnh lạ. Khi biết lý do người mình muốn sánh đôi không được bố mẹ chấp nhận, cô gái ngày càng thương và yêu chàng trai hơn. Oái oăm thay, gia đình nhà trai thấy con mình bị nhà gái khước từ thì cũng tự ái và nhất quyết ngăn cản cuộc hôn nhân này.
Vì rất yêu thương nhau nên hai người quyết định trốn lên rừng cùng nhau chung sống. Để tránh thú dữ, họ phải leo lên những hang đá cao ẩn nấp. Hiềm một nỗi, chỉ một thời gian ngắn sau đó, chàng trai bắt đầu phát bệnh nặng. Đau đớn và tự trách mình đã làm khổ người yêu nên sau khi tìm được nơi trú ẩn an toàn cho cô gái, vào một đêm khuya, chàng trai đã bỏ ra đi.
Ngày qua đi, không thấy người yêu quay trở về, cô gái vô cùng lo lắng. Sau nhiều đêm mỏi mòn chờ đợi, cô gái quyết định đi tìm chàng trai. Cô đi mãi trong rừng mà tìm hoài không thấy. Một ngày, khi cô tìm xuống vực lấy nước thì phát hiện ra một thi thể. Hoảng hốt vì cảnh tượng kinh hoàng, cô gái càng đau đớn hơn khi nhận ra chiếc vòng đeo cổ của chàng trai. Cô hiểu ra rằng, anh đã quyên sinh để giải thoát cho cô. Quá đau buồn nên sau khi sinh con, cô cũng qua đời và hóa thành một cây chuối. Và đây chính là loài chuối mà sau này được gọi là chuối cô đơn.
Khác với các loài chuối, hoa chuối cô đơn có màu xanh. |
Nhiều tính năng cần làm rõ
Cây chuối cô đơn được người dân bản địa là người Dao, người Mường biết đến từ lâu nhưng người Kinh thì biết đến muộn hơn nhiều. Nhà khoa học đầu tiên phát hiện ra loài chuối này là ông Trần Đăng Lâu, nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Sơn trong một lần đi thăm vườn vào năm 2005.
Kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Văn Tâm, Chánh Văn phòng Vườn quốc gia Xuân Sơn cho biết, chuối cô đơn còn có tên gọi là chuối bạc hà. Cây được phân bố chủ yếu ở vùng lõi và vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn. Cây có chiều cao 4-5m, đường kính gốc rất lớn, có thể lên tới 40cm nếu sinh trưởng ở nơi đất tốt. Thân, lá và cả hoa của cây có màu xanh cốm. Khi ra buồng thì quả được bao bọc hoàn toàn trong bao hoa. Quả chuối cô đơn to như chuối phấn, khi chín có màu vàng cam, khá ngọt và có nhiều hạt to như hạt ngô, ở trong có nhân. Mỗi buồng chuối có khoảng trên một trăm quả. Tuổi thọ của cây chuối khoảng hơn một năm, nếu thời tiết lạnh và cây sinh trưởng chậm thì có thể kéo dài tới hai năm. Đặc biệt, cây chuối cô đơn không đẻ con. Khi trổ hoa và quả chín vàng là lá rũ xuống và cây chết. Cũng chính vì lý do này mà ông Trần Đăng Lâu đặt tên cho nó là cây chuối cô đơn.
Những người dân địa phương cho biết, trước đây, thân, cây và hoa, quả của cây chuối này thường được bà con nơi đây sử dụng để làm rau ăn hằng ngày, thậm chí ở Sơn La, người dân còn sử dụng chúng để nấu cỗ trong các lễ cưới. Không những thế, cây chuối cô đơn còn được sử dụng để chữa rất nhiều bệnh như: Sỏi thận, phù thũng, viêm loét dạ dày, đường ruột... Tùy vào những căn bệnh khác nhau mà thầy thuốc sẽ lấy những bộ phận trên cây chuối để trị bệnh. Cách bốc thuốc cũng rất đơn giản. Ví dụ, với bệnh sỏi thận thì chỉ cần chọn quả chuối thật chín, lấy hạt phơi khô, tán nhỏ sắc uống hằng ngày như nước trà, sau khoảng 2-3 tháng sẽ khỏi bệnh. "Các bộ phận của cây như: Quả, thân cây, hoa chuối được các lương y người dân tộc sử dụng để làm thuốc chữa các bệnh đường ruột, sỏi thận... từ nhiều đời nay và người dân truyền tai nhau là rất hiệu quả. Tuy nhiên, nghiên cứu và kết luận chính thức từ các nhà khoa học về tác dụng chữa bệnh của loài cây này thì hiện vẫn chưa có", anh Tâm cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cây chuối cô đơn không còn nhiều nữa. Bởi trong suốt chuyến đi, chúng tôi chỉ nhìn thấy một cây. Lý giải điều này, anh Tâm cho biết, chuối cô đơn trong tự nhiên ít vì khi quả chín và rụng xuống đất, phần lớn chúng bị các loài động vật ăn hết. Hạt chuối khá giòn và rất dễ vỡ khi bị nhai nuốt nên việc nhân giống tự nhiên tương đối khó khăn. Hiện tại, ở Xuân Sơn chỉ có một ít cây trong rừng tự nhiên và vườn nhà một số người dân địa phương do họ nhân giống được. Một vài huyện và tỉnh khác cũng có loài chuối này do người ta đến Vườn quốc gia xin hạt về ươm.
Được biết, cho đến nay, việc điều trị các loại bệnh như phù thũng, đường ruột, sỏi thận... theo phương pháp Tây y còn gặp nhiều trở ngại do phải điều trị trong thời gian dài và sử dụng thuốc đắt tiền, không tốt cho sức khỏe. Trong khi đó, người Dao ở Xuân Sơn đã dùng cây chuối này để chữa bệnh hiệu quả từ nhiều đời nay. Giá như, các nhà khoa học nghiên cứu về tác dụng chữa bệnh của loài cây này để có thể tìm ra phương pháp chữa rẻ tiền mà lại an toàn cho những người không may mắc bệnh?