Nỗ lực xác lập vị thế

Thế giới - Ngày đăng : 07:17, 02/04/2016

(HNM) - Luật An ninh mới của Nhật Bản vừa chính thức có hiệu lực, kể từ ngày 29-3. Theo đó, lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, lực lượng phòng vệ (JSDF) xứ Phù tang sẽ được tham chiến ở nước ngoài hoặc sử dụng sức mạnh để hỗ trợ Mỹ và các nước đồng minh bị tấn công vũ trang ngay cả khi Nhật Bản không bị tấn công.

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản được tham chiến ở nước ngoài sau khi Luật An ninh mới có hiệu lực.


Đây là sự thay đổi chính sách quốc phòng mang tính bước ngoặt tại một đất nước có Hiến pháp phản đối chiến tranh. Bằng Luật An ninh mới, Nhật Bản được nhìn nhận sẽ góp phần định hình an ninh không chỉ tại khu vực Châu Á mà còn ở cả bình diện Thái Bình Dương.

Tình hình an ninh khu vực đang diễn biến phức tạp. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định, Luật An ninh mới giúp quốc gia này gia tăng sức phòng vệ và ngăn chặn hiệu quả các cuộc chiến trước khi nó bùng nổ. Kể từ khi được thông qua vào tháng 9 năm ngoái, đạo luật này đã nhận được các phản ứng đa chiều. Dư luận Nhật Bản cho rằng đây là bước tái vũ trang, gợi nhớ lại chương đen tối trong lịch sử Nhật Bản hồi Chiến tranh thế giới lần thứ II. Trong khi đó, một số quốc gia lại tỏ ra hoài nghi.

Tuy nhiên, dù gì đi nữa đạo luật đã nhận được sự đồng thuận từ các đồng minh của Nhật Bản. Bởi lẽ, tại khu vực đang có những diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn, với việc Triều Tiên liên tiếp thực hiện các vụ thử tên lửa trong thời gian qua. Cùng với đó là các nguy cơ tranh chấp trên Biển Đông đang ngày một tăng. Do đó, sự kiện quân đội Nhật Bản được trao quyền chủ động hơn là cần thiết để bảo vệ hòa bình và thịnh vượng của xứ sở Hoa anh đào nói riêng, sự ổn định của khu vực nói chung.

Bên cạnh đó, mục tiêu chính của Luật An ninh mới cho phép quân đội Nhật Bản hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ và nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến với đồng minh. Bước "đột phá" trong quan hệ Nhật - Mỹ, bằng luật này, có thể tạo vị thế và ảnh hưởng lớn hơn cho mỗi nước trong tìm kiếm một cấu trúc an ninh khu vực theo hướng "vừa tôn trọng sự trỗi dậy hòa bình, vừa ngăn chặn tham vọng bá quyền khu vực". Vì thế, Luật An ninh mới là bước đi không thể xem thường trong nỗ lực vươn lên chia sẻ trách nhiệm của Nhật Bản với các đồng minh. Qua đó, khẳng định vai trò khu vực và vị thế toàn cầu của Tokyo khi cấu trúc an ninh khu vực đang có bước chuyển quan trọng từ "định hướng" sang "định hình".

Cùng với bước chuyển chưa từng có trong chính sách an ninh thời hậu chiến, ngày 30-3, Thủ tướng S.Abe đã công bố mức chi ngân sách khoảng 97.000 tỷ yên (tương đương 852 tỷ USD) cho năm tài khóa 2016. Trong đó, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản chi hơn 5.000 tỷ yên (khoảng 45 tỷ USD) cho an ninh quốc phòng. Ngân sách quốc phòng chủ yếu được dành cho mua thêm máy bay trực thăng Osprey và vũ khí chiến đấu mới để bảo vệ các khu vực đảo đang có tranh chấp.

Rõ ràng, việc tăng chi tiêu cho quốc phòng phản ánh quyết tâm của Nhật Bản nhằm xây dựng một quân đội chủ động hơn và hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh. Trong đó, Mỹ là đồng minh gần gũi nhất của Nhật Bản tại Châu Á - Thái Bình Dương. Mạnh chi cho quốc phòng còn cho thấy, xứ sở Hoa anh đào dường như cực kỳ quan ngại trước khả năng leo thang căng thẳng trong tranh chấp một số nhóm đảo ở biển Hoa Đông.

Với việc Luật An ninh mới chính thức có hiệu lực, Chính phủ của Thủ tướng S.Abe đã có bước "đột phá" lớn nhất trong chính sách đối ngoại kể từ năm 1945 nhằm xác lập vị thế cho Nhật Bản hậu thế chiến. Quan trọng hơn, đạo luật này có thể giúp Nhật Bản ngăn chặn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia; đồng thời thể hiện trách nhiệm của Tokyo trước đồng minh cũng như trong các vấn đề chung tại châu lục. Với Luật An ninh mới, lực lượng quân đội hiện đại của Nhật Bản được cho là sẽ không chỉ bước xa hơn trong gìn giữ hòa bình, ổn định khu vực mà còn nâng cao vai trò, vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế.

Thùy Dương