Người Việt không thể "ăn bẩn" mãi được!

Xã hội - Ngày đăng : 10:28, 01/04/2016

Người dân không thể nộp thuế để nuôi một bộ máy tắc trách khiến thực phẩm bẩn tràn lan, đầu độc lẫn nhau.


Chúng ta lại bước vào Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2016. Nhiều người băn khoăn, mỗi năm có một tháng hành động nhưng chuyện ăn uống diễn ra quanh năm ngày tháng, liên quan đến sức khỏe, sinh mạng của tất cả mọi người mà chỉ có một tháng hành động thì 11 tháng còn lại trong năm người dân biết ăn gì?

Thực phẩm bẩn tràn lan khiến người dân lo sợ


Phiên họp Chính phủ tháng 3 đã thực sự nóng vì vấn đề ATVSTP khi ông Đinh La Thăng với tư cách là thành viên chính phủ bày tỏ bức xúc và phản biện lại ngay ý kiến của Bộ trưởng Y tế và Bộ NN-PTNT khi nói rằng hai bộ đã phối hợp tốt với nhau trong vấn đề ATVSTP.

Có vẻ như Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng rất quyết tâm trong cuộc chiến với thực phẩm bẩn. Ông đã xin một cơ chế riêng để TP HCM làm tốt ATVSTP, có đầu mối chịu trách nhiệm. Chứ như hiện nay, nhiều đầu mối quá hỏi ai cũng hoàn thành nhiệm vụ nhưng khi truy trách nhiệm thì chẳng biết tìm ai.

Trong buổi tiếp Phó Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Mark Day ngày 31/3, ông Thăng tiếp tục nói về vấn đề ATVSTP. Ông nhấn mạnh đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và mong muốn được hợp tác với Tập đoàn Microsoft. “Một thành phố văn minh, hiện đại không thể để người dân suốt ngày ăn bẩn và hằng ngày chết dần, chết mòn được” - ông Thăng nói.

Mỗi ngày các địa phương bắt vài vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, thịt ôi thối, nội tạng đang phân hủy… nhưng cũng chỉ như một hạt cát không có tác dụng răn đe. Bởi thực tế hiện nay, vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm rất khó xử lý. Đơn cử, mới đây, Bộ Y tế chuyển cơ quan điều tra xử lý 2 doanh nghiệp nhập khẩu chất Salbutamol về sử dụng sai mục đích nhưng không thể xử lý hình sự vì trong luật không qui định. Cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành chính đối với hành vi này. Trong khi đó, việc làm này của DN lại vô cùng nguy hại đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Người dân đóng thuế để nuôi bộ máy quản lý Nhà nước, giúp cho xã hội phát triển an toàn, lành mạnh. Nhưng thực tế thì sao? Nhiều cán bộ, công chức ăn lương từ ngân sách nhưng công việc lại làm không đến nơi, đến chốn. Sự tắc trách của họ đã “đầu độc” chính bầu sữa đang nuôi họ, người dân – người đóng tiền thuế để nuôi họ.

Ăn bẩn không chết ngay mà chết từ từ, dần dần. Cái chết vì bệnh tật kéo theo sự tốn kém về kinh tế, rệu rã về tinh thần. Và quan trọng hơn nữa, thực phẩm bẩn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giống nòi. Thể trạng người Việt Nam mãi thấp còi, yếu ớt phần nhiều là do dinh dưỡng, ăn uống.

Chất lượng cuộc sống ngày một tăng, lẽ ra con người phải có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn. Nhưng thực tế thì sao? Tỷ lệ người mắc ung thư, trong đó có nguyên nhân từ ăn uống, ngày một gia tăng. Người Việt Nam dành nhiều thời gian, tiền của hơn cho việc chữa bệnh. Thời gian khỏe mạnh của nhiều người bị giảm đi nghiêm trọng. Nhiều người bước vào tuổi 50 cũng bắt đầu làm bạn với bệnh tật, thuốc men và bác sĩ.

Người Việt không thể cứ nộp thuế để nuôi một bộ máy quản lý yếu kém, không chịu trách nhiệm. Để xảy ra nạn thực phẩm bẩn ngày hôm nay có phần trách nhiệm rất lớn của những công bộc này.

Tại phiên họp Chính phủ tháng 3 vừa rồi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Tôi rất bức xúc chuyện này. Vừa rồi tôi xuống họp với Hà Nội, ra chợ kiểm tra, dân không biết thực phẩm nào bẩn, loại nào sạch. Dân muốn là người tiêu dùng thông thái cũng khó…”.

Theo ông Đam, để thực sự tạo chuyển biến về cải thiện chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đã đến lực phải làm thật, nói nhiều rồi.

Người dân không thể là người tiêu dùng thông thái, đơn thương độc mã trong cuộc chiến sinh tồn chống lại thực phẩm bẩn mà rất cần trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn. Họ phải giúp người dân phân biệt được đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm mất an toàn.

Theo Vũ Hạnh/VOV