Cuộc đấu lịch sử của vật Việt Nam và những điều ít kể

Thể thao - Ngày đăng : 14:08, 31/03/2016

(HNMO) - Đến lúc này, hai đô vật nữ Nguyễn Thị Lụa và Vũ Thị Hằng đã bước vào luyện tập cho chu trình huấn luyện hướng tới Olympic 2016. Nhưng những câu chuyện thú vị xung quanh chuyến thi đấu lịch sử giành vé dự Olympic 2016 của họ vẫn được nhắc đến.

Các tuyển thủ vật Việt Nam được chào đón nồng nhiệt sau một Vòng loại Olympic 2016 đầy thành công.


Vui vì… phải hủy vé

Cuộc đấu loại tranh vé dự Olympic 2016 khu vực châu Á của vật Việt Nam kết thúc vào nửa cuối tháng 3 thì đến ngày 18-4 sẽ diễn ra Vòng loại thế giới tranh vé tham dự Olympic 2016 tại Mông Cổ. Trong danh sách các đô vật Việt Nam sẽ dự các giải đấu tranh vé dự Olympic 2016 luôn có 3 đô vật nữ là Nguyễn Thị Lụa, Vũ Thị Giang, Phạm Thị Loan. Quãng thời gian giữa hai giải đấu tại Kazakhstan và Mông Cổ ngắn như vậy, lại không chắc đô vật nào sẽ giành vé góp mặt ở Olympic 2016 ngay lần này nên bộ môn vật (Tổng cục TDTT) phải chủ động mua vé máy bay từ Việt Nam sang Mông Cổ dự giải cho cả 3 đô vật. Như ông Nguyễn Thế Long - phụ trách môn vật (Tổng cục TDTT) chia sẻ thì ông cũng chỉ tính rằng hoặc Nguyễn Thị Lụa hoặc Vũ Thị Hằng giành vé Olympic 2016 ngay từ giải đấu tại Kazakhstan. Nhưng cũng phải tính đến tình huống xấu nhất, cả hai đô vật hàng đầu này cùng thất bại ở vòng loại ở Kazakhstan, nên bộ môn mới quyết định mua sớm vé máy bay cho cả hai. Cuối cùng, kết quả của vòng loại ở Kazakhstan đã vượt qua cả dự tính. Cả Nguyễn Thị Lụa lẫn Vũ Thị Hằng đều giành vé dự Olympic 2016, khiến vật Việt Nam lần đầu tiên có hai suất trực tiếp tham dự một kỳ Olympic. Kỳ tích này cũng khiến bộ môn vật (Tổng cục TDTT) phải hủy vé máy bay đến Mông Cổ của hai đô vật nữ tài năng này. Đương nhiên, phía đặt vé sẽ phải đền một số tiền nhất định do hủy vé. Nhưng có lẽ, được mất tiền kiểu này lại vui. Còn hơn là không phải đền tiền vé khi cả hai đô vật hàng đầu Việt Nam đều không qua vòng loại Olympic 2016 ở Kazakhstan. Lúc ấy, có lẽ chỉ còn sự thất vọng tột cùng của người đặt vé mà thôi.

Quan trọng là các VĐV đã thực hiện được kỳ tích để lần đầu tiên vật Việt Nam có 2 đô vật giành vé trực tiếp tham dự Olympic. Đã vậy chiến thắng của Vũ Thị Hằng trước nhà vô địch ASIAD 2010 So SymHyang (CHDCND Triều Tiên), người đã đánh bại Nguyễn Thị Lụa tại trận chung kết năm đó, với một phong độ chói sáng và phong thái bình thản đến khó tin được đánh giá là sẽ tạo bàn đạp tâm lý cực tốt cho các đô vật nữ Việt Nam khi đối đầu đô vật Nhật Bản, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên. Trước đây, khi gặp các đô vật thuộc ba quốc gia trên, các đô vật Việt Nam thường thi đấu với tâm lý tự ti. Nhưng giờ thì sau chiến thắng của Vũ Thị Hằng, mọi chuyện có lẽ sẽ khác. Theo ông Nguyễn Thế Long - cũng là Trưởng đoàn Việt Nam tại giải vừa qua, sau trận thắng quá thuyết phục của Vũ Thị Hằng, rất nhiều đoàn đã đến chúc mừng. Họ đều bất ngờ và khâm phục trước phong độ của Vũ Thị Hằng. Ngay từ lúc đó, nghĩ đến việc hủy vé đi tham dự Vòng loại Olympic 2016 ở Mông Cổ, ông Long không khỏi vui mừng.

Không Tết, không hội

Có lẽ, cuộc tập huấn tại Trung Quốc để chuẩn bị cho loại tranh vé dự Olympic 2016 khu vực châu Á một trong những lần chuẩn bị kỹ lưỡng nhất từ trước đến nay của vật Việt Nam. Trước Tết Nguyên đán hơn hai tháng, cả đội đã sang Trung Quốc tập huấn, chấp nhận không ăn Tết tại quê nhà để phục vụ cho mục tiêu lớn nhất trong năm. Chính chuyến tập huấn này với thời gian đủ dài như vậy đã giúp các đô vật đạt trạng thái sung sức nhất khi tham dự Vòng loại Olympic 2016 vừa qua. Như chia sẻ của đô vật Nguyễn Thị Lụa thì do có đủ thời gian nên toàn đội có điều kiện nâng thể lực trước khi phải tập với cường độ cao cùng các đô vật Trung Quốc, có sức mạnh và nền tảng thể lực tốt hơn. Nếu không đủ thể lực, VĐV dính chấn thương là chuyện thường. Tất nhiên, để tránh được chấn thương, tất cả đều phải chấp nhận không có Tết.

Với riêng đô vật Nguyễn Thị Lụa, ngoài việc không được ăn Tết ở quê nhà do tập huấn tại Trung Quốc thì chuyến thi đấu ở Kazakhstan cũng khiến cô mất dịp tham dự hội vật làng Yên Nội (xã Đồng Quang, Quốc Oai) – một trong những lễ hội vật nổi tiếng nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ. Không như nhiều hội vật khác, hội vật ở làng Yên Nội được tổ chức 2 năm/lần chứ không tổ chức hàng năm. Hội vật làng Yên Nội có từ lâu nhưng càng nổi tiếng nhờ có sự xuất hiện của hàng loạt HLV, đô vật nổi tiếng Việt Nam những năm 1980,1990 và 2000. Làng có hai HLV đội tuyển quốc gia trong đó ông Nguyễn Đình Khinh từng là HLV đội tuyển vật Việt Nam tại Olympic 1980 (Olympic đầu tiên mà vật Việt Nam tham dự) còn HLV Nguyễn Quang Long cũng từng là HLV đội tuyển quốc gia. Trong nhóm VĐV thì nổi tiếng nhất vẫn là đô vật Phí Hữu Tình ("độc cô cầu bại” một thời trong làng vật Việt Nam, đến nay vẫn là đô vật Việt Nam duy nhất có một chiến thắng tại Olympic). Ngày về Việt Nam, cô gái người Yên Nội đã tiếc ngẩn tiếc ngơ vì mấy mùa hội làng rồi mà không được tham dự buổi nào do bận đi tập huấn, thi đấu. Không kể, ở hội vật làng Yên Nội năm nay còn có trận thách đấu thuộc hàng hiếm trong các hội vật làng giữa đô nữ Bùi Thị Mai với đô nam Nguyễn Văn Lộc. Trận đấu kết thúc bất phân thắng bại, còn Nguyễn Thị Lụa chỉ được nghe kể lại. Đến đây, cô gái người Yên Nội chỉ còn biết tự an ủi: "Được cái nọ thì mất cái kia. Em tin là cái mất của em ít hơn cái được mà em nhận lại, mang lại cho những người xung quanh”. Chẳng vậy mà ngày tham dự Phát động Ngày chạy Olympic cũng như Kỷ niệm 70 năm Ngày Thể thao Việt Nam vừa qua ở huyện Quốc Oai, Nguyễn Thị Lụa được nhiều người tìm đến bắt tay, xin chụp ảnh, rồi được vinh danh bên cạnh những tên tuổi lớn của vật Việt Nam như Nguyễn Đình Khinh, Phí Hữu Tình.

Hà Nhật