Nikon: DSLR sẽ vẫn chiếm ưu thế về AF so với máy ảnh không gương lật
Xe++ - Ngày đăng : 21:10, 28/03/2016
|
Tuy nhiên, trong bối cảnh các sản phẩm máy ảnh không gương lật đang phát triển mạnh mẽ trong khi các đối thủ như Canon, Panasonic, Pentax cũng không chịu ngồi yên, Nikon sẽ “chăm sóc” người dùng D500 như thế nào để giữ chân họ? Mới đây, trang DPReview đã có một số phỏng vấn với đại diện Nikon về điều này.
PV: D500 mới được sử dụng thay thế cho D300S có phải không?
Nikon: Đúng vậy, đây là mẫu DX (DSLR với cảm biến APS-C của Nikon) có mặt sau 7 năm kể từ khi D300S xuất hiện lần đầu. Trước đây, Nikon đã từng cố gắng thay thế D300S bằng dòng D7000 bởi chúng tôi nhận thấy nhu cầu lớn từ phía người tiêu dùng về các dòng sản phẩm APS-C cao cấp.
PV: Sau khi đã có những giải pháp hiện đại thực sự dành cho người dùng khối chuyên nghiệp ở cả phân khúc DX và FX (full-frame), Nikon sẽ định vị nhu cầu hai nhóm khách hàng này của mình như thế nào?
Nikon: D5 là mẫu máy ảnh đầu bảng và chúng tôi tin rằng những nhiếp ảnh gia thể thao chuyên nghiệp đã hài lòng với D3 và D4 trước đây sẽ tiếp tục thoả mãn với D5 mới. Trong khi đó, D500 sẽ đem tới cho khách hàng những tính năng cao cấp tương tự của D5 - ví dụ như hệ thống lấy nét tự động - song song với sự linh hoạt về kích thước (nhỏ gọn hơn). Vì thế, chúng tôi hi vọng rằng sẽ không chỉ nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mà cả người dùng bán chuyên cũng sẽ thích thú với D500 mới.
PV: Dòng sản phẩm Nikon D7000 trước đây có nhắm vào thay thế trực tiếp dòng D300 hay không?
Nikon: Trước đây chúng tôi từng hi vọng rằng dòng sản phẩm D7000 có thể là lựa chọn cho một nhóm người dùng đã từng sử dụng qua D300S. Tuy nhiên khách hàng liên tục phản hồi rằng họ muốn một phiên bản thay thế thực sự của D300S. Vì vậy, chúng tôi đã tạo ra D500 mới.
D500 mới được cho là giải pháp thay thế hoàn hảo cho D300s trước kia. |
PV: Giờ đây, với D500 có mặt trên thị trường, liệu Nikon có tiếp tục phát triển các dòng ống kính DX (dành cho máy APS-C) chuyên nghiệp hay không?
Nikon: Hiện tại, Nikon đã có kế hoạch cho các dòng ống kính mới thuộc nhóm này. Tuy nhiên việc phân tích nhu cầu của thị trường cũng là điều cần thiết.
PV: Vì sao Nikon lại chọn độ phân giải chỉ 20Mpx cho cả hai dòng máy mới?
Nikon: Chúng tôi tin rằng mức 20Mpx là độ phân giải tối ưu, cân bằng giữa chất lượng hình ảnh và độ tiện dụng (ví dụ như tốc độ chụp - thứ mà các nhiếp ảnh gia thể thao cần tới nhất). Trước đây, chúng tôi đã từng có các sản phẩm ở mức 12Mpx và 16Mpx nhưng một số người dùng lại muốn mức cao hơn, vì vậy chúng tôi cho rằng 20Mpx là con số tối thiểu để đạt được sự cân bằng. Hiện nay, đây là mức tối ưu. Trong tương lai nếu chúng tôi có thể tăng tốc độ chụp cũng như độ phân giải, việc ra mắt máy mới với số chấm cao hơn là điều hoàn toàn khả thi.
PV: Việc Nikon tuyên bố tiếp tục phát triển dòng sản phẩm DX là điều rất đáng hoan nghênh. Các ông cho rằng người dùng D500 sẽ chủ yếu sử dụng ống kính DX hay sẽ là FX?
Nikon: Nếu đưa ra lời khuyên dựa trên sự tiện dụng, chúng tôi cho rằng người dùng nên kết hợp ống kính DX với thân máy D500 bởi đây là một mẫu máy của nền tảng DX.
Trong quan điểm của Nikon, khả năng lấy nét tự động sẽ vẫn là lợi thế lớn của DSLR so với máy ảnh không gương lật. |
PV: Khi phát triển các sản phẩm chuyên nghiệp như thế này (D5 và D500), quy trình mà Nikon sử dụng khác biệt như thế nào với các dòng không chuyên?
Nikon: Câu hỏi này liên quan tới việc chúng tôi đáp ứng nhu cầu của người dùng như thế nào. Một ví dụ là với khe cắm thẻ nhớ. Nếu chúng tôi thiết kế máy ảnh cho dân chuyên nghiệp, sản phẩm đó sẽ có hai khe cắm thẻ nhớ cùng loại. Với người dùng không chuyên nhưng có trình độ (khách hàng sử dụng D500), chúng tôi tích hợp hai khe cắm thẻ nhớ khác nhau: một SD và một XQD - nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu khác nhau của họ.
PV: Nikon đã tính toán điều gì khi tung ra tới hai phiên bản D5, một hỗ trợ thẻ CF và một hỗ trợ XQD?
Nikon: Nhiệm vụ quan trọng nhất của khe cắm thẻ nhớ trên D5 là đem tới hai khe cắm cùng loại - hoặc CF hoặc XQD. Chúng tôi chọn XQD để hỗ trợ trên D5 là bởi nó có thể đem lại mức hiệu năng cao nhất đáp ứng nhu cầu của máy mới (kể cả khi chụp ảnh tĩnh và quay phim). Trong khi đó, việc bổ sung phiên bản hỗ trợ thẻ nhớ CF là vì những người dùng D3 và D4 cũ đang rất quen thuộc với loại thẻ này và rất có thể đang sở hữu nhiều thẻ cũng như phụ kiện liên quan. Cho tới lúc này, những phản hồi đối với cả hai dòng D5 đều rất tích cực.
PV: Với những thể hiện tuyệt vời của hệ thống lấy nét tự động trên D5 - đặc biệt là ở khía cạnh bám nét đối tượng, Nikon có cho rằng DSLR sẽ luôn duy trì được ưu thế này khi so với các dòng máy ảnh không gương lật?
Nikon: Có, chúng tôi tin rằng lấy nét luôn là một lợi thế, đặc biệt là khi đề cập tới khía cạnh bám nét chủ thể di chuyển ở tốc độ cao.
PV: Chúng ta đều biết rằng lưới lọc màu trên cảm biến của D5 đã được thay đổi để cải thiện khả năng chụp thiếu sáng. Điều này cụ thể như thế nào?
Nikon: Để giải thích điều này là việc rất khó. Tuy nhiên ý tưởng cơ bản là cải thiện khả năng thu sáng của máy. Nhờ vậy, D5 có thể giảm nhiễu và cải thiện độ nhạy sáng.
PV: Độ chính xác của hệ thống lấy nét tự động ngày càng quan trọng hơn đối với các dòng DSLR với độ phân giải cao. Thậm chí một số nhà sản xuất như Sigma hay Tamron đã tung ra các sản phẩm đế gắn cho phép lập trình ống kính của họ. Nikon giải quyết nhu cầu này như thế nào?
Nikon: D810 hiện nay có độ phân giải 36Mpx trong khi D5 là 20Mpx. Độ chính xác của hệ thống lấy nét tự động trên hai máy này là tương đồng. Chúng tôi đã tích hợp cơ chế tinh chỉnh hệ thống lấy nét được một thời gian khá dài. Mặc dù độ chính xác của hệ thống lấy nét tự động đã được cải thiện khá nhiều nhưng một số người dùng vẫn muốn có thể kiểm soát chính xác hơn theo nhu cầu riêng. Số này đã phải mất nhiều thời gian thử đi thử lại các lựa chọn.
Với D5 và D500 mới, chúng tôi đã tung ra hệ thống tinh chỉnh tự động để đơn giản hoá quy trình tối ưu hệ thống lấy nét và hi vọng rằng những khách hàng trước đây đã mất nhiều công sức cho việc tinh chỉnh cơ chế lấy nét trên máy cũ sẽ bắt đầu sử dụng hệ thống tự động mới. Họ cũng có thể tìm đến chúng tôi nếu có thêm các yêu cầu khác. Chúng tôi sẽ tích cực cải thiện điều này trong các bước phát triển tiếp theo.