Tái cơ cấu doanh nghiệp nông nghiệp: Chậm và kém hiệu quả
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:52, 28/03/2016
Giá cao su xuống thấp là một trong những nguyên nhân khiến công tác tái cơ cấu của Tập đoàn Cao su chậm. |
Hiệu quả thấp
Theo Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ NN&PTNT), trong 5 năm (2011-2015), Bộ mới sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) được 12 tổng công ty (TCT) nông nghiệp, 2 công ty thuốc thú y, 2 công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG)... Các DN đã thoái 2.175 tỷ đồng vốn đầu tư ra ngoài ngành, đạt 39,6% kế hoạch. Việc tái cơ cấu DNNN trong ngành Nông nghiệp bị đánh giá là chậm, chủ yếu thực hiện chuyển giao trong nội bộ giữa tập đoàn, TCT hoặc giữa DN nông nghiệp với nhau, do vậy chưa tạo ra động lực và áp lực cho các DN. Một số DN đã CPH nhưng không bán hết cổ phần theo kế hoạch được phê duyệt. Ông Phạm Quốc Doanh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN (Bộ NN&PTNT) cho biết, dù số lượng CPH đã vượt so với kế hoạch nhưng hiệu quả hoạt động của các DN sau CPH thấp. Số vốn do Nhà nước nắm giữ ở một số DN sau khi CPH, tái cơ cấu còn lớn, có nơi chiếm trên 90% dẫn đến tình trạng các DN sau khi sắp xếp, đổi mới phương thức hoạt động vẫn sản xuất, kinh doanh theo lối cũ, dẫn tới hiệu quả thấp, chưa tương xứng với nguồn lực được giao. Thậm chí, có DNNN vẫn thua lỗ, chưa tách bạch hoạt động sản xuất kinh doanh với hoạt động công ích. Tại một số DNNN, sự lãng phí, thất thoát nguồn lực lớn, đầu tư dàn trải, chưa tập trung vào những ngành, lĩnh vực kinh doanh chính được giao… Tiến độ sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông, lâm nghiệp chưa đạt tiến độ do gặp nhiều khó khăn liên quan đến đất đai, lao động, tài sản trên đất. Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, tập đoàn đăng ký CPH 5 đơn vị nhưng đến nay mới CPH được 2 đơn vị; về kế hoạch thoái trên 3.100 tỷ đồng vốn tại các lĩnh vực ngoài ngành đến nay mới thực hiện được trên 1.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do giá mủ cao su giảm, hiệu quả kinh doanh thấp.
Đổi mới tư duy
Theo ông Phạm Quốc Doanh, để các DNNN tiến hành CPH nhanh, hiệu quả cần phải thay đổi tư duy. Theo đó, đối với các công ty chưa CPH thì phải cổ phần theo hướng Nhà nước không nắm giữ vốn. Nếu các đơn vị đã CPH, phải bán nốt phần vốn nhà nước đang nắm giữ. Tuy nhiên phải tổ chức kiểm tra, giám sát về hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác bảo toàn vốn để không thất thoát tài sản. Ông Phí Mạnh Cường, Tổng Giám đốc TCT Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, muốn CPH thành công, trong quá trình tái cơ cấu, DN phải tìm được nhà đầu tư chiến lược về vốn, trình độ quản lý và tâm huyết với sự phát triển của DN. Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư cần công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị liên quan.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ rõ, thời gian tới các đơn vị cần tập trung sắp xếp tái cơ cấu DNNN bao gồm các nông, lâm trường quốc doanh; các công ty nông, lâm nghiệp theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng phải chú trọng tới chất lượng tái cơ cấu. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tiến hành cơ cấu đúng kế hoạch, không được chậm trễ, gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Bộ NN&PTNT sẽ thành lập bộ phận "một cửa" liên thông để tiếp nhận và trả lời các kiến nghị vướng mắc của DN, phân công, phân nhiệm cho từng cán bộ công chức của bộ phận "một cửa". Bộ cũng đề nghị Chính phủ xem xét hướng dẫn về chuyển các công ty nông, lâm nghiệp, công ty TNHH một thành viên thành công ty TNHH hai thành viên trở lên… để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Năm 2016, Bộ NN&PTNT xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, CPH tập đoàn, các TCT 100% vốn nhà nước. Năm 2016-2017 tiến hành CPH 1 tập đoàn; năm 2017-2018 CPH công ty mẹ 2 TCT 100% vốn nhà nước là TCT Cà phê Việt Nam và TCT Lương thực miền Bắc. |