Công tác nhân sự được chuẩn bị rất kỹ lưỡng

Xã hội - Ngày đăng : 06:47, 28/03/2016

(HNM) - Từ ngày 31-3 đến 12-4, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, quyết định công tác nhân sự Nhà nước. Đây là phần việc rất quan trọng và được chuẩn bị kỹ lưỡng...

Tại kỳ họp lần thứ mười một, Quốc hội khóa XIII sẽ dành nhiều thời gian bàn về công tác nhân sự. Ảnh: nhật bắc


- Thưa ông, tại kỳ họp này, Quốc hội dành phần lớn thời gian để xem xét, quyết định công tác nhân sự Nhà nước?

- Sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước không tái cử Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời Bộ Chính trị cũng đã phân công nhiệm vụ mới đối với một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Vì vậy, Bộ Chính trị thống nhất cao việc cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Công tác nhân sự phải tiến hành từng bước, từng khâu. Trong kỳ họp Quốc hội này, thời gian dành cho công tác kiện toàn nhân sự tương đối dài là do trong kỳ này có cả thủ tục miễn nhiệm rồi mới bầu hoặc phê chuẩn, điều này khác với đầu nhiệm kỳ, khi đó công tác nhân sự chỉ bao gồm thủ tục bầu hoặc phê chuẩn mới.

- Đến thời điểm này, Quốc hội đã nhận được bao nhiêu đơn từ nhiệm của các nhân sự chuẩn bị được bầu lại?

- Nhiệm kỳ của các chức danh là 5 năm nhưng trong 5 năm đó, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội vẫn có thể miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh. Việc miễn nhiệm người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có thể được thực hiện theo 2 trường hợp. Trường hợp thứ nhất là theo quy định tại Điều 10 của Luật Tổ chức Quốc hội, theo đó người từ nhiệm phải có đơn từ chức.

Trường hợp thứ hai là theo quy định tại Điều 11 của Luật Tổ chức Quốc hội, việc miễn nhiệm được thực hiện theo đề nghị của cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó. Do đó, việc Quốc hội thực hiện công tác kiện toàn nhân sự trong kỳ họp này không phụ thuộc vào việc cần có đơn từ nhiệm của những người hiện giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

- Xin ông cho biết, tại sao kỳ họp này sẽ kiện toàn 3 chức danh: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng mà không để kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV?

- Như tôi đã đề cập, nguyên nhân là Đại hội Đảng toàn quốc đã thành công, nhiều người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn không tham gia trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị nữa. Trong khi nếu chờ Quốc hội khóa mới thì tháng 7 mới tiến hành kỳ họp đầu tiên.

Đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, cần tinh thần, động lực, khí thế mới để thực hiện tốt ngay trong năm đầu tiên. Do vậy, cần kiện toàn nhân sự chủ chốt ngay. Sau đó, trên cơ sở tờ trình của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội sẽ phê chuẩn các chức danh lãnh đạo các bộ. Cùng đó, Quốc hội cũng xem xét kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội.

Cũng xin thông tin thêm, đây không phải sự phá lệ. Năm 2006, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, tại kỳ họp thứ chín - Quốc hội khóa XI, Quốc hội cũng đã kiện toàn các chức danh cấp cao của Nhà nước để đáp ứng yêu cầu quản lý, lãnh đạo của bộ máy nhà nước.

- Có nhất thiết Bộ trưởng phải là Ủy viên TƯ Đảng không, thưa ông?

- Sau Đại hội XII của Đảng, còn một số ngành không bố trí đủ Ủy viên Trung ương, điều đó là bình thường. Đề án công tác nhân sự và quan điểm xuyên suốt của Đảng về công tác nhân sự theo hướng mở và động. Không nhất thiết ngành nào cũng bố trí Ủy viên Trung ương và các địa phương cố gắng tối đa để có người đứng đầu là Ủy viên Trung ương.

- Ông kỳ vọng gì ở các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ Đại hội XII và nhân sự dự kiến giới thiệu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sắp tới?

- Có thể nói, công tác chuẩn bị nhân sự lần này được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI triển khai sớm, tiến hành chủ động và chỉ đạo chặt chẽ, bài bản, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, tạo được sự thống nhất cao. Tôi tin sự lựa chọn này đã có sự chắt lọc, cân nhắc rất kỹ lưỡng. Những cán bộ này có sự bổ sung của người này cho người kia, người có kinh nghiệm, người năng động sáng tạo, có người lớn tuổi, có người trẻ; người làm hành pháp, người lập pháp... từ đó sẽ tạo nên một tập thể mạnh. Tôi tin với sự tâm huyết, chân thành, dám nghĩ, dám làm và sự tạo điều kiện của thế hệ đi trước, họ sẽ hoàn thành tốt trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Phong