Bài cuối: Kiên quyết xử lý vi phạm

Giáo dục - Ngày đăng : 07:52, 25/03/2016

(HNM) - Những nỗ lực của nhà trường, các cơ quan chức năng thời gian qua đã đem lại kết quả bước đầu nhưng chưa đạt hiệu quả mong muốn. Đâu là giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề? Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng, nhà trường và mỗi gia đình phải kiên quyết hơn trong việc giáo dục, xử lý vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông (ATGT).


Đừng để "đầu voi, đuôi chuột"

Ở bài viết trước, Báo Hànộimới đã đề cập đến những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngày càng gia tăng các vi phạm của học sinh (HS) trong việc chấp hành quy định của pháp luật về ATGT. Qua đó cho thấy điều gì? Thầy giáo Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi cho rằng, để con trẻ ít tái phạm, người lớn phải đồng lòng chung sức, tăng cường tuyên truyền, giáo dục tới cả HS và phụ huynh, với quan điểm: Quyết liệt, chung sức chính là vì tương lai các em, vì hạnh phúc gia đình.

Thầy cô nghiêm khắc bắt buộc các em phải đội mũ bảo hiểm đúng quy cách, cấm không đi xe dàn hàng ngang ngoài đường, thậm chí mất thời gian "vi hành" để trực tiếp nhắc nhở HS sai phạm…, rõ ràng không phải vì các thầy cô, mà là vì an toàn của HS. Phụ huynh cũng cần được tuyên truyền, tham gia nhiều hơn cùng nhà trường trong việc quản lý, giáo dục HS tuân thủ pháp luật giao thông và bản thân mỗi phụ huynh cũng cần gương mẫu. Nếu chỉ yêu cầu con em chấp hành quy định trong khi bố mẹ phạm luật thì thật khó để tạo lập thói quen tốt cho con trẻ. Lực lượng công an phải quyết liệt hơn với những sai phạm của HS, không chỉ dừng lại ở những đợt cao điểm, bởi nếu không duy trì liên tục thì HS sẽ dễ nhờn luật và tái phạm.

Kế hoạch thi đua bảo đảm trật tự, ATGT của ngành giáo dục Hà Nội giai đoạn 2016-2020 vừa ban hành không chỉ đề cập đến HS, mà còn có đánh giá đối với cả tập thể và từng cán bộ, giáo viên, nhân viên về sự tuân thủ quy định pháp luật về ATGT. Sở GD-ĐT sẽ theo dõi, đánh giá hằng năm và xét khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo đảm ATGT; xét trừ vào tiêu chí thi đua cuối năm của đơn vị để xảy ra tình trạng cán bộ, giáo viên, nhân viên vi phạm pháp luật giao thông. Riêng đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên có sai phạm sẽ căn cứ vào mức độ và số lần vi phạm để xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Công chức và các quy định của ngành giáo dục.

Cô giáo Lê Thị Liên, Trường Mầm non Bát Tràng cho rằng: Việc quy định thưởng, phạt nghiêm minh, rõ ràng như vậy sẽ tạo sự công bằng, bình đẳng cho mọi cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành. Ngành giáo dục cần có chế tài nghiêm khắc để mỗi đơn vị đều phải chấp hành các quy định, tránh tình trạng "đầu voi, đuôi chuột" hoặc "giơ cao, đánh khẽ"...

Nghiêm khắc ngay từ trường học

Việc ban hành kế hoạch tổ chức phong trào thi đua bảo đảm trật tự, ATGT giai đoạn 2016-2020 của ngành giáo dục được cho là động thái cần thiết, tích cực, nhằm chấn chỉnh tình trạng HS vi phạm pháp luật giao thông. Mục tiêu xa hơn của việc này còn nhằm tạo thói quen, ý thức về văn hóa giao thông cho thế hệ tương lai. Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống, sự nghiêm khắc, quyết liệt trong quá trình triển khai, nhất là đối với những sai phạm của HS là cần thiết và phải bắt đầu ngay từ mỗi nhà trường.

Những năm gần đây, chương trình giáo dục mầm non, giáo dục ý thức tuân thủ quy định về ATGT đã được chủ động đưa vào và trở thành nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên với các trường học. Với cấp học phổ thông, HS không chỉ được học về các quy định ATGT trong các giờ học chính khóa, mà còn ở nhiều hoạt động ngoại khóa. Quy chế đánh giá, xếp loại HS do Bộ GD-ĐT ban hành kèm theo Thông tư 58/2011/TTBGDĐT cũng đã quy định rõ:

HS được xếp loại hạnh kiểm tốt khi "Thực hiện nghiêm túc nội quy nhà trường; chấp hành tốt luật pháp, quy định về trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông…"; HS bị xếp loại yếu nếu "gây rối trật tự, trị an trong nhà trường hoặc ngoài xã hội; vi phạm an toàn giao thông…". Còn tại Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2011 thì HS vi phạm khuyết điểm trong quá trình rèn luyện có thể bị xử lý kỷ luật theo 4 mức, trong đó hai mức cuối cùng là cảnh cáo ghi học bạ và buộc thôi học có thời hạn.

Rõ ràng, các văn bản quy định phạt lỗi đối với những trường hợp HS vi phạm quy định ATGT đã được ban hành từ nhiều năm nay, nhưng chưa được các cơ sở tuân thủ nghiêm. Chưa thấy nơi nào để HS xếp loại hạnh kiểm yếu hoặc buộc HS thôi học vì vi phạm quy định ATGT. Hầu hết các nhà trường chỉ mới dừng lại ở mức nhắc nhở, phê bình, nơi nghiêm khắc hơn thì ghi học bạ, mời bố mẹ đến trao đổi. Tình trạng không thống nhất khi triển khai dẫn đến chuyện nơi làm đúng quy định lại bị phụ huynh phản ứng.

Thậm chí, đã có ý kiến cho rằng, những vi phạm quy định giao thông là ở ngoài đường, nhà trường xử phạt HS là không đúng. Thực tế, quá trình tìm hiểu tại các nhà trường cho thấy, có rất nhiều nhà giáo và cả phụ huynh đồng thuận với ý kiến của PGS Văn Như Cương, đó là: Quy định về ATGT không phải của nhà trường mà toàn xã hội, vì vậy, việc phạt lỗi HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ không đơn thuần chỉ là hình thức phạt hành chính, mà là để tạo lập kỷ cương xã hội.

Sự đồng thuận ấy liệu có làm chuyển biến bền vững về ý thức của HS và trách nhiệm của nhà trường, phụ huynh... trong việc thực hiện quy định ATGT? Điều ấy phụ thuộc vào sự quyết tâm, nghiêm khắc và kiên trì của từng nhà trường, mỗi gia đình và toàn xã hội ngay từ ngày hôm nay.

Thống Nhất