Quy hoạch đê điều và phòng chống lũ Sông Hồng: Tháo gỡ nhiều vướng mắc
Đời sống - Ngày đăng : 07:27, 25/03/2016
Với quy hoạch đê điều và phòng chống lũ, nhiều địa phương có thể yên tâm xây dựng phương án sản xuất ổn định. |
Kết quả thực hiện quy hoạch sẽ giúp nhiều địa phương, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội nâng cao năng lực phòng chống lũ, tháo gỡ nhiều vấn đề trong thực tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Rõ định hướng quản lý, sử dụng đất bãi
Theo ông Phạm Quang Đông, Trưởng phòng Quản lý đê điều (Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội), quy hoạch này có ý nghĩa rất quan trọng. Theo đó, tiêu chuẩn phòng, chống lũ đối với khu vực đô thị trung tâm Hà Nội (trong phạm vi đường Vành đai 4), đến năm 2030 bảo đảm an toàn với lũ thiết kế có chu kỳ lặp lại 500 năm và nâng lên 700 năm vào năm 2050. Khu vực cửa sông và các khu vực còn lại của Hà Nội và Đồng bằng Sông Hồng giữ ở mức 300-500 năm.
Bản quy hoạch còn tác động trực tiếp đến hàng chục nghìn hộ dân đang sinh sống ở những khu vực ven đê và ngoài bãi sông. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất mà quy hoạch đưa ra là vấn đề quản lý, sử dụng đất bãi ven sông và quan điểm ứng xử với các khu dân cư tập trung hiện có nằm ngoài bãi sông. Cụ thể, các khu vực Tầm Xá - Xuân Canh, Cự Khối - Long Biên của Hà Nội được phép quy hoạch đô thị và xây dựng mới công trình nhưng không vượt quá 15% diện tích bãi sông.
Tổng mức kinh phí thực hiện quy hoạch là 112.668 tỷ đồng, bao gồm các nguồn từ ngân sách, huy động vốn ODA, xã hội hóa… |
Các khu vực dân cư quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và một số nơi khác ở các xã, phường như: Phú Châu (Ba Vì), Vân Nam, Cẩm Đình (Phúc Thọ), Thượng Cát, Liên Mạc (Bắc Từ Liêm), Nhật Tân, Tứ Liên (Tây Hồ), Tự Nhiên (Thường Tín), Hồng Thái (Phú Xuyên) phía hữu Hồng và Tráng Việt (Mê Linh), Ngọc Thụy, Cự Khối (Long Biên), Đông Dư, Bát Tràng (Gia Lâm) phía tả Hồng được tồn tại, bảo vệ; được cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; sử dụng thêm một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư nhưng không vượt quá 5% diện tích.
Hạn chế việc di dời
Đặc biệt, ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội cho biết, quy hoạch có nhiều nội dung tiến bộ, hạn chế việc di dời các khu dân cư, giảm gánh nặng kinh tế và cả quỹ đất tái định cư cho thành phố. Nếu theo Quy hoạch phòng chống lũ năm 2009 và Quy hoạch đê điều năm 2013 đã được HĐND TP Hà Nội thông qua thì sẽ phải di dời 197 khu dân cư với 30.230 hộ dân, gần 130.000 nhân khẩu, tổng kinh phí khoảng 100.000 tỷ đồng. Còn theo quy hoạch này, Hà Nội chỉ phải di dời 9 khu dân cư với 1.900 hộ dân, gồm: Võng La - Hải Bối, Đông Ngạc - Nhật Tảo, Bắc Cầu, Đông Ngàn, Yên Viên, Thượng Thanh, Ngọc Thụy, Bồ Đề, Bát Tràng. Đây là những khu vực đang bị sạt lở, trong phạm vi bảo vệ đê điều, vi phạm pháp luật về đê điều nên bắt buộc phải giải tỏa, di dời.
Ông Đăng Văn Hưng, xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì), cho biết, đây là tin vui đối với hàng nghìn hộ dân đang sinh sống ngoài đê như xã Duyên Hà. "Trong quy hoạch đã khẳng định khu dân cư của chúng tôi nằm trong phạm vi ít bị ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ Sông Hồng nên được tồn tại, bảo vệ... Thời gian tới, việc xin giấy phép xây dựng, sửa chữa nhà cửa của nhân dân xã Duyên Hà sẽ được thuận lợi hơn. Và quan trọng nhất là giúp các hộ dân an cư" - ông Hưng phân tích. Tương tự, đại diện lãnh đạo quận Tây Hồ cho rằng, đây là căn cứ để các quận nội thành xây dựng phương án xử lý vi phạm pháp luật đê điều, hành lang thoát lũ Sông Hồng, nhất là quản lý chặt chẽ các khu dân cư sinh sống lâu đời ngoài đê. Đồng thời, các quận xây dựng đề án quản lý, sử dụng hiệu quả những khu bãi bồi ven Sông Hồng, vừa tạo nguồn thu, hạn chế vi phạm và tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp...
Tuy nhiên, để triển khai quy hoạch đồng bộ và hiệu quả, ông Nguyễn Xuân Hải kiến nghị UBND thành phố sớm điều chỉnh lại quy hoạch phòng chống lũ chi tiết và quy hoạch đê điều đã được HĐND thành phố thông qua trước đây để phù hợp với bản quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, Chi cục kiến nghị Sở NN&PTNT đề xuất hướng xử lý đối với mốc chỉ giới thoát lũ trên thực địa; nâng cấp các tuyến đê kết hợp phục vụ đa mục tiêu, bảo đảm đủ khả năng chống lũ thiết kế và chống được lũ cao hơn.