Bài 1: Bình yên nơi đảo xa
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:53, 25/03/2016
Thầy và trò Trường Tiểu học Sinh Tồn. |
Những ngôi nhà khang trang, giản dị. Thoảng bên tai tiếng trẻ đọc bài, vẳng xa tiếng chuông chùa chiều... khiến chúng tôi ngỡ mình đang ở một làng quê bình dị giữa đất liền chứ không phải đang ở xã đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Một cuộc sống thực sự bình yên, đầm ấm nơi "đầu sóng, ngọn gió".
"Gieo chữ" ngoài đảo
Tùng! Tùng! Tùng!... tiếng trống trường vang lên, học sinh Trường Tiểu học Sinh Tồn ùa ra sân trường, ồn ã dưới những tán lá phong ba. Trong lớp, thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Hạ tranh thủ kiểm tra sách vở của học sinh và xem lại bài giảng cho tiết học sau. Lớp học của thầy và trò rất ngăn nắp, gọn gàng. Góc học tập được đặt chính giữa đối diện với bảng đen, trình bày tổng hợp các kiến thức về tiếng Việt, toán, khoa học, an toàn giao thông… Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến góc hoạt động giáo dục, treo rất nhiều bức tranh đáng yêu, đầy ý nghĩa của học sinh trên đảo vẽ về chủ đề chú bộ đội hải quân. Ở góc sử địa, các thầy giáo kỳ công cắt dán những bức tranh, bức ảnh từng được đăng báo với chủ đề "Yêu lắm Trường Sa". Hai bên là góc thư viện, góc cộng đồng và một không gian nhỏ trang trí bắt mắt để chúc mừng sinh nhật cho các em.
Việc dạy và học của thầy, trò ở Trường Tiểu học Sinh Tồn có nhiều điểm đặc biệt của xã đảo. Dù là lớp ghép, nhưng được tổ chức rất khoa học. Thầy giáo Lê Anh Đức chia sẻ: Việc khó nhất là dung hòa giữa các cháu mẫu giáo và tiểu học để không làm ảnh hưởng đến chất lượng bài học của hai lớp. "Chữa" cái khó này, thầy Hạ và thầy Đức đã triển khai chương trình học xen kẽ trong mỗi buổi học, tức là trong khi các cháu mẫu giáo tập tô, tập vẽ, thì các cháu lớp 2, lớp 3 lần lượt được học toán, tiếng Việt và một bộ môn khác phù hợp. Thầy Lê Anh Đức cho biết: "Quan trọng nhất là tạo được sự hứng thú cho học sinh. Các em đều rất ngoan, đáng yêu và thông minh. Sau khi hoàn thành chương trình học tiểu học, các em sẽ về đất liền học tiếp chương trình phổ thông. Đáng mừng là em nào cũng đạt học lực khá, giỏi".
Theo chân thầy Hạ về khu nhà công vụ - nơi nghỉ ngơi của các thầy, chúng tôi ngỡ ngàng trước căn phòng đơn sơ nhưng được bài trí ngăn nắp và tiện dụng. Thầy Hạ cho biết, người thầy giáo được gắn bó với con trẻ đã là một niềm hạnh phúc không gì có thể đo đếm, được công tác ở Trường Sa, làm đúng nghề yêu thích, niềm vui ấy càng nhân lên gấp bội. Còn thầy giáo Lê Anh Đức quê gốc ở huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) theo cha mẹ vào định cư ở xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) từ nhỏ. Cũng như người đồng nghiệp Nguyễn Ngọc Hạ, sau khi tốt nghiệp Khoa Tiểu học Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, thầy Đức đã viết đơn tình nguyện ra Trường Sa công tác. "Với tình yêu dành cho những đứa trẻ và tâm nguyện muốn ra Trường Sa ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, em đã xin phép gia đình ra đảo Sinh Tồn ngay khi cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay" - thầy Đức cho biết.
Bền chặt tình quân dân
Nói về những học trò mà các thầy coi như con cháu trong gia đình, thầy giáo Lê Anh Đức nhớ nhất trò ngoan Nguyễn Trần Anh Luân. Học hết lớp 4 với thành tích xuất sắc, Luân vinh dự được Quỹ học bổng Vừ A Dính cấp học bổng và chuyển về TP Hồ Chí Minh học tập. Theo lời giới thiệu của thầy Đức, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Lương, bố cháu Luân. Căn nhà anh Lương nằm gần Trường Tiểu học Sinh Tồn, khá rộng rãi, khang trang, phía sau là vườn rau xanh tốt. Anh Lương thổ lộ: "Rất nhớ con nhưng đây là vinh dự, là niềm tự hào của xã đảo nên chúng tôi luôn động viên con học tập tốt để không phụ lòng của các cô, chú và thầy giáo trên đảo". Vừa trò chuyện, anh Lương vừa mở điện thoại "khoe" với chúng tôi hình ảnh mới nhất của cậu con trai được nhận giấy khen vì thành tích học tập tốt ở trường…
Người dân sống trên xã đảo Sinh Tồn cũng coi thầy Lê Anh Đức, thầy Nguyễn Ngọc Hạ như người trong nhà. Vì thế, chỉ sau hơn hai năm dạy học ở xã đảo Sinh Tồn, thầy Hạ, thầy Đức đã thấy rất gắn bó với mảnh đất "đầu sóng, ngọn gió", với tình quân dân keo sơn. Thầy Hạ tâm sự: "Những ngày lễ, Tết như ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12, ngày Tết… các đơn vị quân đội, chính quyền xã và người dân trên đảo tổ chức những bữa cơm thân mật, những đêm giao lưu văn hóa văn nghệ ấm áp. Người dân đánh bắt được con cá ngon cũng đều mang sang biếu thầy".
Gia đình anh Nguyễn Minh Châu và chị Phan Thị Thương có 2 con nhỏ. Con gái lớn Nguyễn Ngọc Thùy Trang học lớp mẫu giáo 5 tuổi, con gái bé Nguyễn Phan Ngọc Hân sinh trên đảo Sinh Tồn năm 2014. Hằng ngày, anh Châu cùng những người đàn ông trong các gia đình trên đảo tổ chức đi biển đánh bắt cá. Phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái, trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm và đan lưới. Mỗi gia đình đều có một vườn rau xanh tốt quanh năm. Theo chị Thương, sở dĩ có thể trồng rau là đảo đã bảo đảm nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Ngoài trồng rau, anh chị còn "mát tay" nuôi được cả gà và vịt để lấy trứng, nâng cao chất lượng bữa ăn hằng ngày.
Tới xã đảo Sinh Tồn hôm nay, khách từ đất liền không khỏi ngỡ ngàng và phấn khởi trước cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, nhà văn hóa, trụ sở UBND xã khang trang, hiện đại. Ngôi Trường Tiểu học Sinh Tồn có diện tích gần 400m2, được đầu tư đồng bộ gồm 6 phòng học, thư viện, phòng giáo vụ, 2 phòng công vụ dành cho giáo viên, sân chơi, khu vệ sinh, bể chứa nước ngọt và các trang thiết bị giáo dục cơ bản. Ngay cạnh trường là chùa Sinh Tồn trầm mặc, tôn nghiêm và khu dân cư rộn ràng tiếng trẻ. Trung tá Phạm Văn Trọng, Chính trị viên đảo Sinh Tồn cho biết, là đảo trung tâm, có vai trò đầu mối kết nối với các đảo khác nên tất cả các công việc, nhiệm vụ đều được thực hiện rất khẩn trương nhưng bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất.