Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững
Nông nghiệp - Ngày đăng : 08:03, 09/01/2023
Giá gia súc, gia cầm cơ bản ổn định
Hiện nay, giá thịt lợn hơi trên địa bàn cả nước giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tại miền Bắc thương lái thu mua trong khoảng 51.000-54.000 đồng/kg, miền Trung - Tây Nguyên là 51.000-52.000 đồng/kg, miền Nam là 50.000-52.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai, Hà Nội), năm nay, giá nguyên liệu, chi phí, thức ăn chăn nuôi tăng cao nên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đối mặt với tình trạng thua lỗ.
Những ngày đầu năm 2023, giá gia cầm và trứng không tăng so với những ngày cuối năm 2022 và sức mua cũng không đổi. Theo đó, giá gà các loại ở mức từ 50.000-100.000 đồng/kg, vịt là 32.000-40.000 đồng/kg và trứng gà là 2.000-2.300 đồng/quả. Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) Nguyễn Văn Đông cho biết, với việc xây dựng nhãn hiệu “Gà đồi Sóc Sơn”, các sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu thông qua hệ thống cửa hàng tiện ích và một số nhà hàng trong và ngoài thành phố với giá ổn định hơn 100.000 đồng/kg.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) Nguyễn Đăng Phú, những năm trước thị trường cuối năm thường sôi động trước 1-2 tháng, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và giá thị trường cũng tăng dần đến ngày áp Tết. Với hàng thực phẩm chế biến, sức mua chỉ sôi động khoảng 20 ngày và hàng tươi sống chỉ tăng mạnh vào khoảng 1 tuần trước Tết Nguyên đán. Năm nay, người dân chi tiêu hạn chế hơn, sức mua yếu, do vậy, công ty chỉ duy trì nguồn cung ra thị trường ở mức ổn định như năm ngoái.
Giá thịt giá súc, gia cầm hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường, sức mua... và năm nay thị trường tiêu thụ chậm hơn so với mọi năm. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản thông tin: Dự báo, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát, nguồn cung thịt lợn hơi sẽ không thiếu hụt trong năm 2023, giá cũng sẽ không tăng đột biến, dao động ở mức 60.000 đồng/kg, cao hơn 10% so với năm 2022. Giá thức ăn chăn nuôi cũng được dự báo sẽ ổn định và bắt đầu giảm trong quý II-2023, như vậy, doanh nghiệp và người chăn nuôi có thể phục hồi sản xuất.
Mở rộng thị phần, thị trường xuất khẩu
Năm 2023, ngành chăn nuôi phấn đấu đạt tổng sản lượng thịt hơi các loại khoảng 7-7,5 triệu tấn (tăng 5-5,5% so với năm 2022); sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,5 triệu tấn (tăng 4%); sản lượng thịt gia cầm đạt 2,1 triệu tấn (tăng 4,8%). Trong năm 2023, nhu cầu tiêu dùng tiếp tục phục hồi nên giá thịt lợn hơi dự báo sẽ tăng 5%.
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, bảo đảm thu nhập cho nông dân, theo bà Phạm Thị Lệ, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), cơ quan chức năng của thành phố cần có giải pháp hỗ trợ các trang trại xây dựng chuỗi liên kết để ký hợp đồng với doanh nghiệp, qua đó tiêu thụ ổn định cả về sản lượng và giá cả. Cùng với đó là tăng cường thông tin về tình hình cung - cầu trên thị trường để người chăn nuôi có phương án sản xuất phù hợp.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương rà soát những đối tượng vật nuôi có lợi thế để thúc đẩy sản xuất; đồng thời chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thông qua việc phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp triển khai các mô hình liên kết sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Giải pháp thị trường chính là động lực để tháo gỡ khó khăn và duy trì tăng trưởng của ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Một trong những yếu tố quan trọng là xúc tiến thương mại, tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật và mở rộng thị phần, thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Mặt khác, thị trường trong nước với 100 triệu dân cần được chú trọng phát triển. Các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư phát triển chế biến và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp theo từng phân khúc thị trường.
Cùng với các giải pháp liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, các cơ quan chức năng, các tỉnh, thành phố cần theo dõi sát diễn biến thị trường, khuyến cáo người dân tái đàn phù hợp với nhu cầu tiêu dùng; đồng thời tìm các biện pháp giảm chi phí “đầu vào” sản xuất, bảo đảm người chăn nuôi có lãi. Bộ NN&PTNT đã yêu cầu: Các địa phương đánh giá cụ thể tình hình chăn nuôi, nhập khẩu và cân đối cung - cầu mặt hàng thịt lợn, gia cầm, gia súc phục vụ nhu cầu trong nước. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi để sản phẩm cung ứng ra thị trường có mức giá hợp lý.