Phân cấp mạnh mẽ, giảm tải cho cấp huyện
Đời sống - Ngày đăng : 06:28, 25/03/2016
Lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực
Trước đó, khi Luật Công chứng được trình Quốc hội, đã có nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải xây dựng Luật Chứng thực. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, Bộ Tư pháp đã tham mưu với Chính phủ tạm thời điều chỉnh hoạt động chứng thực bằng nghị định. Dù vậy, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực - Bộ Tư pháp cho biết, tình trạng lạm dụng bản sao chứng thực vẫn diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành Chỉ thị 17 về một số biện pháp chấn chỉnh hiện tượng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính, nhưng sau đó giảm không đáng kể.
Phân cấp mạnh mẽ về chứng thực, hộ tịch sẽ góp phần giảm bớt phiền hà về các thủ tục hành chính. |
Tại Hà Nội, dù đã tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời, nhưng tình trạng lạm dụng bản sao chứng thực vẫn tái diễn, nhất là trong quá trình thực hiện các giao dịch mua bán đất đai. Tại một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn quận Cầu Giấy, khi tiếp nhận hồ sơ nhập học, do tâm lý ngại đối chiếu, "sợ trách nhiệm" nên nhiều trường đã yêu cầu phụ huynh học sinh nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu mà không tiếp nhận bản photocoppy để tự đối chiếu với bản chính. Chính vì vậy, nhu cầu chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản của cá nhân, tổ chức ngày càng phổ biến. Từ đó, dẫn đến tình trạng sử dụng bản sao có chứng thực vượt quá sự cần thiết. Việc làm này không những gây phiền hà, tốn kém cho người dân, lãng phí cho xã hội mà còn tạo áp lực, quá tải đối với UBND cấp quận, huyện, cấp xã, phường trong công tác chứng thực.
Cần phân cấp mạnh
Tại phiên họp của Ban Soạn thảo dự án Luật Chứng thực vừa diễn ra, chủ trương hạn chế việc lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực và phải phân cấp mạnh mẽ về thẩm quyền chứng thực đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia pháp luật. Theo đó, để giảm tải cho cơ quan thực hiện chứng thực cấp huyện, tổ biên tập đề xuất nghiên cứu chuyển việc chứng thực của phòng tư pháp xuống UBND cấp xã; quy định rõ, khi công dân đã xuất trình bản chính, không được yêu cầu bản sao có chứng thực. Lý do được đưa ra là, phòng tư pháp là cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện, phải đảm đương khối lượng công việc lớn, chưa kể từ ngày 1-1-2016, còn được giao thực hiện các việc về hộ tịch có yếu tố nước ngoài, nên không thể quán xuyến việc chứng thực.
Nhưng, theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thanh Cao, để ngăn chặn tình trạng "sính" chứng thực, giảm tải cho cán bộ thực thi công vụ, trước hết cần tuyên truyền làm rõ giá trị chứng thực. Thực tế, người dân chỉ biết mang bản gốc đến cơ quan nhà nước đề nghị cấp một bản tương đương có dấu đỏ xác nhận, chứ không hiểu rõ chứng thực về nội dung hay hình thức. Trong khi đó, chứng thực là việc cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính về hình thức. Còn công chứng mới có ý nghĩa xác thực tính hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của những văn bản, hợp đồng, kể cả những văn bản được dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại. Như vậy, về mặt pháp lý, giá trị của bản công chứng do các tổ chức công chứng thực hiện cao hơn chứng thực.
Ở góc nhìn khác, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ cho rằng, mục tiêu mà dự án Luật Chứng thực hướng tới phải bảo đảm tiêu chí kép: Sự an toàn cho các giao dịch, không phình bộ máy. Vì vậy, phải làm rõ liệu có xã hội hóa hoạt động chứng thực được hay không. Nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp Trần Thất cho rằng, bước đầu nên mở rộng phạm vi chứng thực đến một số cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền cấp bản chính để cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng dịch vụ này thuận lợi hơn. "Đơn cử, hiệu trưởng của một trường đại học được cấp bằng tốt nghiệp thì tại sao lại quy định ông (bà) ấy chỉ được cấp bản sao bằng đó từ sổ gốc mà không phải là đối chiếu bản gốc để rồi chứng thực vào bản photocopy?" - ông Thất hiến kế.