Sau dồn điền đổi thửa, ruộng biến thành... ao!

Bạn đọc - Ngày đăng : 07:09, 24/03/2016

(HNM) - Mặc dù đã hết khung thời vụ gieo cấy vụ xuân 2016, nhưng đến nay, hơn chục hộ gia đình ở thôn Khoang Mái, xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất) vẫn chưa thể gieo cấy.

Ngay cạnh một thửa ruộng trũng là một thửa ruộng cạn không thể canh tác.


Lý do, sau dồn điền đổi thửa (DĐĐT), nhiều thửa ruộng bị trũng sâu, nhiều thửa lại quá cao. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do Tiểu ban DĐĐT buông lỏng quản lý, thiếu giám sát, để đơn vị thi công xúc đất ruộng bán, khiến mặt ruộng trở nên quá sâu so với Đề án.

Sáng 15-3, phóng viên có mặt tại khu đồng Lồ, chứng kiến những thửa ruộng mênh mông nước như "ao", một vài thửa chỗ cao, chỗ trũng, bà con phải dùng cào san mặt ruộng… Do mặt ruộng không bằng phẳng nên không thể sử dụng sức kéo trâu bò làm đất. Một số hộ phải thuê máy cày công suất lớn để san gạt.

Anh Từ Văn Cường (thôn Khoang Mái) cho biết: Gia đình có 5 sào ruộng, thửa nào cũng ngập sâu trong nước (có thửa ngang bụng). Khi nhận đất, thấy mặt ruộng cao thấp không đều, các hộ dân đề nghị Tiểu ban DĐĐT thôn san gạt trả mặt bằng để các hộ gieo cấy, nhưng họ chỉ làm qua loa. Nhân dân đề nghị tiếp thì lãnh đạo thôn trả lời: "Các hộ phải tự khắc phục khó khăn, tự cải tạo mặt bằng…".

Cùng chung bức xúc, ông Nguyễn Văn Tiến, ông Nguyễn Tiến Đạt, bà Phùng Thị Thê, bà Kiều Thị Ba… cho biết, trước khi DĐĐT, Tiểu ban DĐĐT thôn nói chỉ san hạ một số làn ruộng cao để lấy đất đắp đường, công trình thủy lợi nội đồng. Thế nhưng khi thực hiện, Tiểu ban đã để nhà thầu thi công hạ mặt ruộng quá sâu, múc đi hàng chục nghìn mét khối đất bán cho Nhà máy Gạch Đồng Trúc gần đó. Chỉ tay về phía Nhà máy Gạch Đồng Trúc, anh Từ Văn Cường cho biết: "Lượng đất chất cao như "núi" kia kìa, chính là đất múc từ đồng Lồ. Ròng rã nhiều tháng trời, đơn vị thi công đã múc đất chở lên đó bán, nhưng không thấy chính quyền xã và cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Người dân thì chẳng biết kêu ai"...

Ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc cho biết, ngày 10-3, UBND xã mới nhận được phản ánh của công dân thôn Khoang Mái liên quan đến công tác DĐĐT. Sau đó, UBND xã đã kiểm tra thực tế và xác nhận thông tin người dân phản ánh là có cơ sở. Để xảy ra tình trạng ruộng chỗ cao chỗ thấp, nhân dân không thể cấy lúa xuân được, trách nhiệm thuộc về Tiểu ban DĐĐT thôn Khoang Mái và Ban chỉ đạo DĐĐT xã Đồng Trúc chưa sâu sát trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án của DĐĐT. Thôn Khoang Mái có 31 hộ. Cuối năm 2015, thôn bắt đầu thực hiện DĐĐT trên diện tích 5,42ha thuộc đồng Lồ.

Đến nay, có 30/31 hộ dân trong thôn đã nhận ruộng, hiện chỉ còn một số hộ chưa cấy hết vì ruộng quá sâu. Theo báo cáo của Tiểu ban DĐĐT thôn Khoang Mái, việc DĐĐT đã triển khai đầy đủ các bước theo quy định và nhân dân đồng thuận. Còn nguyên nhân khiến ruộng bị hạ sâu là do trong quá trình triển khai xây dựng giao thông, thủy lợi tại đồng Lồ đã phát sinh thêm tuyến đường thứ 10 (thiết kế chỉ có 9 tuyến).

Do không có kinh phí, Tiểu ban DĐĐT thôn Khoang Mái đã thống nhất với các hộ dân trong thôn bán một phần đất từ việc hạ mặt ruộng để lấy kinh phí trả cho nhà thầu thi công. Ngoài ra, theo thiết kế các tuyến đường tại đồng Lồ chỉ đắp cao 0,3-0,4m, nhưng Tiểu ban DĐĐT đã để cho đơn vị thi công đắp vượt thiết kế, có tuyến cao hơn thiết kế trên dưới 1m, điều này dẫn đến việc phải hạ ruộng sâu để lấy đất đắp. Tiểu ban DĐĐT thôn Khoang Mái không báo cáo việc làm thêm một tuyến đường nên xã không biết (!).

Trả lời câu hỏi có hay không việc Tiểu ban DĐĐT thôn Khoang Mái thông đồng với đơn vị thi công bán đất ruộng, ông Kiên khẳng định xã không biết việc này. Khi phóng viên cho xem đoạn clip ghi lại hình ảnh từng chuyến xe ô tô chở đất từ đồng Lồ vào Nhà máy Gạch Đồng Trúc đổ được ghi vào tháng 12-2015, vị chủ tịch xã cho rằng đây là hành vi bán trộm, diễn ra thời gian ngắn nên xã không biết (!?).

Bài, ảnh: Thu Hằng