Đẩy mạnh tuyên truyền đi đôi với kiểm tra, giám sát

Đời sống - Ngày đăng : 06:59, 24/03/2016

(HNM) - Từ năm 2014, việc thực hiện


- Sau hai năm triển khai “Năm trật tự và văn minh đô thị” 2014 và 2015, có thể rút ra những bài học gì, thưa ông?

- HĐND thành phố đã có Nghị quyết số 04, trong đó có nội dung tiếp tục chọn năm 2016 là “Năm trật tự và văn minh đô thị”. UBND TP Hà Nội có Chỉ thị 01, xác định các nhiệm vụ cụ thể. Qua hai năm 2014-2015, có thể thấy, việc thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân. Các nội dung, hình thức tuyên truyền phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện như văn hóa ứng xử công sở, văn hóa trong giao thông, trong giao tiếp... Cùng với đó là việc ban hành các quy định và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định. Ví dụ như, việc tháo dỡ mái vẩy, mái che làm mất mỹ quan đô thị muốn thành công, trước hết cần ban hành mẫu mái che, mái vẩy và hướng dẫn người dân lắp đặt theo mẫu. Một kinh nghiệm nữa là việc lựa chọn tuyến phố địa bàn quận Hoàn Kiếm làm điểm trước khi nhân rộng xây dựng tuyến phố kiểu mẫu. Các tuyến phố này phải đáp ứng một loạt tiêu chí như bảo đảm vệ sinh môi trường, chỉnh trang chiếu sáng, biển hiệu; huy động cải tạo mặt tiền tuyến phố theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng tham gia; vận động nhân dân thực hiện quy định, quy ước về nếp sống văn minh đô thị…

Tuyến phố Xã Đàn, quận Đống Đa không còn mái che, mái vẩy. Ảnh: Thái Hiền


- Trong lĩnh vực xây dựng, vẫn còn tồn tại một số vấn đề nổi cộm như xây dựng sai phép, không phép, nhà siêu mỏng, siêu méo… Thành phố có giải pháp gì để chấn chỉnh?

- Quản lý trật tự xây dựng luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, được thực hiện đồng bộ từ thông tin, tuyên truyền đến quy hoạch, quản lý đất đai, thanh tra, kiểm tra… Tuy nhiên, vi phạm vẫn tồn tại, nhiều vụ chưa xử lý triệt để. Sở Xây dựng đã chỉ đạo Thanh tra xây dựng kiểm soát chặt mọi hoạt động xây dựng trên địa bàn phụ trách; phát hiện, ngăn chặn vi phạm ngay từ khi phát sinh. Cùng với đó, lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định về đầu tư xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường tại các khu đô thị mới; phát hiện những vướng mắc tồn tại của cơ chế, chính sách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, chủ động thực hiện quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa thanh tra và chính quyền địa phương, theo đó thanh tra thiết lập hồ sơ đề xuất chính quyền xử lý. Đồng thời, tăng cường thanh tra công vụ với các đội phụ trách địa bàn, qua đó chấn chỉnh và kiên quyết xử lý cán bộ, thanh tra viên buông lỏng quản lý, không hoàn thành nhiệm vụ.

- Có thể thấy, bộ mặt đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực, theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, người dân vẫn còn băn khoăn với tình trạng mưa lớn thì ngập, nắng to thì thiếu nước sinh hoạt?

- Thực tế theo dõi, 3 năm qua, việc cung ứng nước sạch đô thị nhiều khó khăn, bất cập; lượng nước sạch không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao. Nhất là vào mùa hè, lượng nước sạch cung cấp thiếu hụt khoảng 10-12% nhu cầu, tương ứng 90.000-110.000m3/ngày-đêm.

Đặc biệt, hệ thống cung cấp nước Sông Đà, chiếm khoảng 28% tổng lượng cung nước sạch, thường gặp sự cố, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của nhân dân. Năm nay, nhận định chung vẫn là tình trạng khó khăn về nguồn cung. Để khắc phục, thành phố đã triển khai một số dự án như bổ sung công suất cho Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì, thêm 30.000m3/ngày-đêm từ hệ thống khai thác nước mặt Sông Hồng; nâng công suất Trạm cấp nước Đông Mỹ (Thanh Trì) thêm 10.000m3/ngày-đêm; vận hành Trạm cấp nước Nguyên Khê (Đông Anh) 10.000m3/ngày-đêm; bổ sung hai giếng tại Thượng Cát (Bắc Từ Liêm) công suất 7.000m3/ ngày-đêm… Cùng với đó, Công ty Nước sạch Hà Nội tiếp tục dự án cải tạo mạng lưới cấp nước, giảm tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch. Đối với hệ thống cấp nước Sông Đà, Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Vinaconex, thi công tuyến ống số 2 để bảo đảm an toàn cấp nước cho thành phố.

Còn với thoát nước mùa mưa, Hà Nội đang triển khai Dự án thoát nước giai đoạn II, khi hoàn thành, nhiều khu vực sẽ được cải thiện đáng kể tình trạng úng ngập. Tuy nhiên, đây là công việc đòi hỏi phải đầu tư đồng bộ, nên nhận định trong mùa mưa, một số khu vực vẫn xảy ra úng ngập như địa bàn quận Long Biên, do chưa có hệ thống hoàn chỉnh, tiêu thoát tự chảy, phụ thuộc hệ thống sông Cầu Bây; hoặc lưu vực Sông Nhuệ cũng tiêu thoát tự chảy, phụ thuộc mực nước Sông Nhuệ.

- Sở Xây dựng, Sở Thông tin - Truyền thông vừa thông báo triển khai thanh thải, sắp xếp đường dây đi nổi trên 200 tuyến phố. Ông có thể thông tin rõ hơn vấn đề này. Sau đó, thành phố sẽ quản lý thế nào để bảo đảm mỹ quan đô thị, không tái diễn việc treo, mắc dây bừa bãi?

- Trên từng tuyến phố, các đơn vị thực hiện sẽ có kế hoạch cụ thể, thông báo trước cho đơn vị treo mắc cáp thanh thải dây không sử dụng, sắp xếp lại đường dây đang sử dụng. Đơn vị viễn thông, truyền hình cáp, nếu không đăng ký không được phép treo, mắc dây. Để bảo đảm mỹ quan đô thị, Sở Xây dựng, Sở Thông tin - Truyền thông tăng cường kiểm tra và sẽ xử phạt trường hợp treo mắc cáp không đúng quy định. Thanh tra Sở Xây dựng, theo thẩm quyền sẽ phạt vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông xử phạt vi phạm quy định lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến.

- Cảm ơn ông!

Gia Khánh