Thiếu hành lang pháp lý chặt chẽ về dịch vụ công
Đời sống - Ngày đăng : 19:59, 23/03/2016
-Lý do nào bà quyết định dành tâm huyết, sức lực của mình cho việc chuẩn bị và xây dựng Dự án Luật Hành chính công?
-Tất cả vấn đề hành chính công hay dịch vụ công mới chỉ nằm ở Nghị định của Chính phủ, nhiều người dân không thể hiểu sâu sắc. Với hệ thống luật chuyên ngành, cho đến giờ chưa có luật nào nói về nguyên tắc chung trong quản lý, điều hành hành chính. Chỉ có những cái riêng, không có cái chung kết nối nên mới có nhiều chỗ vênh nhau. Tôi nghĩ thay vì cứ đi truy trách nhiệm của các cơ quan khác nhau thì tại sao không tạo ra một hành lang pháp lý cho thật tốt để mọi người hình dung được nền hành chính của mình gồm những gì, hiểu được quy trình tiến hành làm các thủ tục hành chính...
-Sáng kiến pháp luật của bà có những nội dung đáng quan tâm nào, có được các cơ quan liên quan ủng hộ không?
- Dự án Luật Hành chính công có sự đóng góp công sức, trí tuệ, tâm huyết và ủng hộ của rất nhiều vị ĐBQH khóa XIII sẽ không tái cử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Sau 4 cuộc hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý các cấp, các ngành, đã thống nhất đề nghị xác định phạm vi điều chỉnh gồm: Những nguyên tắc chung của hành chính công, thủ tục hành chính công, dịch vụ hành chính công, kiểm soát hành chính công, mối quan hệ, trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, với tổ chức, công dân; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện hành chính công.
Việc đề cao nguyên tắc nền hành chính công nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp là một trong những chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Do vậy, Ủy ban Pháp luật, Viện nghiên cứu lập pháp, các bộ, ngành, ủng hộ. Đặc biệt Viện Nghiên cứu lập pháp còn có Quyết định số 175A/QĐ-VNCLP ngày 20/9/201 về việc thành lập Nhóm Nghiên cứu, hỗ trợ ĐBQH trình kiến nghị về Luật Hành chính công. Chính phủ, một số bộ trưởng thành viên Chính phủ, nhiều Đoàn ĐBQH và nhiều vị ĐBQH thống nhất tán thành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự tâm huyết của tôi và nhóm nghiên cứu nhưng lại cho rằng cần có thêm thời gian chuẩn bị, tổng kết thực tiễn.
- Vậy tại sao đến thời điểm này bà mới mạnh dạn nói lên quan điểm của mình?
- Đành rằng từng quy định ở từng điều khoản còn phải chỉnh sửa thêm, trải qua nhiều thủ tục nữa nhưng tôi cho rằng, tất cả những vấn đề nêu trong Dự luật đều là những vấn đề nóng bỏng, bức xúc của người dân, doanh nghiệp trong tiến hành các thủ tục hành chính công. Do đó, tôi tha thiết mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị ĐBQH khóa XIII đồng ý bổ sung dự án Luật Hành chính công vào chương trình xây dựng luật năm 2016, tạo cơ sở pháp lý để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra quyết định thành lập ban soạn thảo luật.
Tôi thực sự cảm thấy rất băn khoăn và áy náy vì đã không đủ mạnh dạn đăng ký phát biểu vấn đề này tại phiên họp trù bị của kỳ họp Quốc hội thứ 11 (sáng 21/3/2016).