Có nên ấn định tỷ lệ giảng viên cơ hữu?

Giáo dục - Ngày đăng : 07:37, 22/03/2016

(HNM) - Cuối tuần qua, đánh giá kết quả một năm thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) công lập giai đoạn 2014 - 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định rằng bên cạnh các vấn đề về tự chủ học thuật và tự chủ tài chính, tự chủ nhân sự là điểm vướng mắc lớn nhất của các ĐH hiện nay.

Một buổi học của sinh viên ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Như Hùng


Để loại bỏ vướng mắc về vấn đề tỷ lệ giảng viên cơ hữu, rất cần có sự thúc đẩy, hợp tác từ hai phía là các trường và Bộ GD-ĐT.

Tự chủ về nhiều mặt

Sau khi cơ quan quản lý cho phép các trường tự chủ được tự quyết định việc mở ngành, trong năm 2015 đã có một số trường mở ngành mới như ĐH Kinh tế quốc dân (5 ngành), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (10 ngành), ĐH Mở TP Hồ Chí Minh (1 ngành), ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh (9 ngành)… Các trường cũng được tự chủ trong công tác xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy. Dựa trên chương trình đào tạo của các trường thuộc tốp 100 của thế giới, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã xây dựng đồng bộ chương trình đào tạo cho các ngành học theo chuẩn quốc tế và sẽ đưa vào giảng dạy từ năm học 2016 - 2017.

Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thị Kim Phụng: Hiện nay, quy định mở ngành của Bộ GD-ĐT yêu cầu có một tiến sĩ và 3 thạc sĩ đối với bậc ĐH và 5 tiến sĩ với bậc sau ĐH, trong đó có 3 tiến sĩ chuyên ngành. Trong một số trường hợp đặc biệt, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với cơ quan chủ quản để có cách tính khác. Ví dụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ít giảng viên có chức danh nên có thể tính giảng viên thỉnh giảng trong phạm vi quản lý được.


Về tuyển sinh, các trường được quyền tự xác định chỉ tiêu, được xây dựng đề án tuyển sinh riêng, chủ động tham gia liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Về học phí, các trường đã chủ động xây dựng mức thu, bảo đảm mức học phí bình quân bằng mức trần học phí bình quân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mức học phí trung bình được áp dụng là 13 triệu đồng/sinh viên/năm; mức thu cao nhất thuộc về ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh (14,5 triệu đồng/sinh viên/năm) và mức thấp nhất là của ĐH Hà Nội (7,8 triệu đồng/sinh viên/năm).

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên việc triển khai Nghị quyết 77 còn nhiều lúng túng. Một số quy định chưa được hiểu rõ, đặc biệt là về thẩm quyền tự chủ của các trường nên xuất hiện sự mâu thuẫn về quan điểm giữa trường và cơ quan quản lý, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Không nên ấn định tỷ lệ giảng viên cơ hữu/thỉnh giảng

Trong số nhiều kiến nghị liên quan đến việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập được giao tự chủ, nội dung kiến nghị của Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhận được sự quan tâm nhiều nhất. Lãnh đạo trường này đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu áp dụng tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng/sinh viên để làm căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, lý do là đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đóng góp rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình giảng dạy.

Đó cũng là mối quan tâm chung của nhiều trường bởi hiện nay Bộ GD-ĐT có quy định cụ thể về tỷ lệ giảng viên cơ hữu trong các trường, coi đó như một điều kiện để bảo đảm chất lượng đào tạo. Quy định này khiến các trường bị bó buộc trong quy trình tuyển sinh. Hầu hết các trường cho rằng Bộ nên nới lỏng quy định này, bởi nếu áp dụng máy móc thì nhiều trường không thể mở ngành do thiếu giảng viên cơ hữu đúng ngành, đúng trình độ đào tạo. Khi thiếu giảng viên cơ hữu, các trường ĐH quốc tế tại Việt Nam vẫn có thể mời giảng viên ở nước ngoài theo chế độ thỉnh giảng. Về nội dung này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề: Vấn đề này không vướng luật, không vướng nghị định, chỉ vướng ở Bộ GD-ĐT. Vậy thì phải tìm cách để tháo gỡ, không nên quản với tâm lý sợ trường "ăn gian".

Theo giải thích của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, các trường ĐH quan tâm nhiều nhất tới chỉ tiêu tuyển sinh bởi nguồn thu của trường phụ thuộc vào học phí. Một số trường, vì muốn tuyển nhiều chỉ tiêu nên đã đề nghị tăng cường giáo viên thỉnh giảng dù theo quy định của Bộ, số lượng giáo viên cơ hữu chiếm khoảng 70%, 30% còn lại dành cho giáo viên thỉnh giảng. Ở nước ngoài, chỉ tiêu ở các trường ĐH hầu như không thay đổi, nhưng ở Việt Nam sẽ có tình trạng nhiều trường ĐH tuyển ồ ạt giảng viên thỉnh giảng để làm căn cứ tăng chỉ tiêu tuyển sinh, do vậy khó bảo đảm chất lượng đào tạo. Ngoài ra, Bộ không thể kiểm soát được tình trạng một giảng viên có trong danh sách thỉnh giảng của hàng chục trường. Trình độ của giảng viên thỉnh giảng cũng là điều cần phải xem xét.

Ghi nhận ý kiến từ cả hai phía, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, không nên ấn định cụ thể tỷ lệ giảng viên cơ hữu/giảng viên thỉnh giảng khi đã giao cho các trường tự chủ. Bộ GD-ĐT nên tăng cường quản lý bằng công tác kiểm định hay bằng phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin… Với câu hỏi của Phó Thủ tướng: "Nếu 13 trường tự chủ này đều cam kết không tăng chỉ tiêu tuyển sinh quá 10% trong ba năm tới thì Bộ có tháo gỡ quy định về giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng hay không?", Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Nếu các trường cam kết không tăng chỉ tiêu, gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo thì Bộ GD-ĐT hoàn toàn ủng hộ việc các trường mời thêm nhiều giảng viên thỉnh giảng.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: Khi có cơ chế tự chủ, các trường rất mừng vì có thể nâng học phí đi đôi với chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, với quy định về tỷ lệ giảng viên cơ hữu/thỉnh giảng thì các trường không được cởi trói thực sự. Không nên quản lý các trường bằng nhiều tiêu chí hành chính, mà hãy tạo điều kiện hoạt động bên cạnh việc tăng cường giám sát, hỗ trợ các trường tiếp cận thị trường lao động thế giới.

Khánh Vũ