Đầu tháng 4, nguồn nước xả từ thượng nguồn mới về tới Việt Nam

Đời sống - Ngày đăng : 07:08, 22/03/2016

(HNM) - Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến hết tháng 3-2016.


Hiện nay, lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về ĐBSCL thiếu hụt 30-50% khiến xâm nhập mặn càng lấn sâu, có nơi mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền 90-93km... Theo Tổng cục Thủy lợi, đã có 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL bị mặn xâm nhập, 10 tỉnh công bố tình trạng thiên tai ở cấp độ lớn nhất (cấp 2); độ mặn ở các khu vực cửa sông tăng kỷ lục, ở mức 30g/l.

Thống kê của Bộ NN&PTNT, đã có 160.000ha lúa tại khu vực này bị thiệt hại, mất trắng khoảng 800.000 tấn thóc. Theo dự báo, tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6-2016, toàn vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 500.000ha lúa không thể xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, chiếm 30% diện tích toàn khu vực; ngoài ra có 155.000 hộ dân, khoảng 575.000 người bị thiếu nước ngọt.

Hiện nay, các địa phương đang chờ nguồn nước từ Nhà máy Thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) xả xuống hạ lưu sông Mê Kông. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, phải đến đầu tháng 4-2016, nguồn nước này mới về đến Việt Nam. Còn lượng nước và hiệu quả ra sao thì phải đợi đến khi về tới Việt Nam mới có thể đánh giá chính xác.

Để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Liên hợp quốc hỗ trợ thông qua các đối tác, nhà tài trợ quốc tế trong việc tăng vốn ODA cho các công trình, hạng mục công trình cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn; hỗ trợ kỹ thuật về quản lý hạn hán; trang thiết bị cung cấp nước sinh hoạt... Đồng thời, đề nghị các quốc gia trong khu vực sông Mê Kông tiếp tục xả nước hợp lý xuống hạ lưu và cùng nhau sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông.

Hoàng Văn